Khi một người đàn ông 41 tuổi ở San Francisco tên là Wong Chut King tử vong vì dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm hồi tháng 3/1900, người ta lo ngại dịch hạch cuối cùng đã lan tới đất Mỹ.
Nhóm nhân viên y tế cầm dụng cụ vệ sinh trong chiến dịch diệt chuột ở San Francisco. Ảnh: History.com
Theo trang history.com, sau khi kiểm tra các mẫu lúc khám nhiệm tử thi của Wong Chut King, Giám đốc Sở Bệnh viện Biển ở San Francisco xác nhận nỗi sợ hãi của người dân: Dịch hạch đã lan tới Mỹ. Điều không may là dịch bệnh đó không bao giờ biến mất.
Cái chết của Wong Chut King đánh dấu thời điểm bắt đầu của bệnh dịch hạch lây nhiễm đầu tiên ở Mỹ. Dịch hạch đã lây nhiễm cho ít nhất 280 người và giết chết ít nhất 172 người trong vòng 8 năm tiếp đó. Số ca mắc bệnh và tử vong trong thực tế có thể cao hơn.
Bệnh này có thể vào Mỹ theo các tàu thủy chạy hơi nước nhung nhúc chuột. Các tàu này cập bến ở California sau khi đã ở các khu vực bị ảnh hưởng, phần lớn thuộc châu Á. Nhưng thay vì cảnh báo dân chúng, các quan chức thành phố và bang, trong đó có cả Thống đốc California, đã bác bỏ thông tin có bùng phát bệnh dịch hạch.
Theo bà Marilyn Chase, giảng viên tại trường báo chí UC Berkeley và là tác giả cuốn: “The Barbary Plague: The Black Death in Victorian San Francisco” (Dịch hạch ở Barbary: Cái chết đen ở San Francisco thời Victoria), lý do khiến họ bưng bít thông tin một phần là vì kinh tế. Người ta sợ rằng kinh tế California sẽ bị ảnh hưởng nếu tin về dịch hạch lan truyền ở thành phố San Francisco và thủ phủ bang là Sacramento.
Bà Marilyn giải thích: “Người ta rất sợ rằng ngành sản xuất sản phẩm tươi sống trị giá 40 triệu USD của California sẽ thiệt hại. Với nỗi sợ đó, quan chức bang đã kêu gọi giúp đỡ của Tổng Y sĩ Mỹ và người này đồng ý không nói gì về bệnh dịch hạch đang lây lan”.
Sự im lặng từ giới chức bang với dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng tới bác sĩ Joseph J. Kinyoun, Giám đốc Sở Bệnh viện Biển ở San Francisco và là người đã xác định vi khuẩn lây nhiễm trên cơ thể Wong Chut King. Là một quan chức y tế, ông quyết tâm ngăn chặn dịch hạch lây lan.
Tuy nhiên, theo ông David K. Randall, phóng viên hãng tin Reuters và tác giả cuốn sách về dịch hạch, cùng lúc đó, các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và báo chí địa phương lại quyết tâm làm ông mất uy tín. Ông Randall nói: “Báo chí địa phương gọi bệnh dịch hạch mà ông Kynyoun đề cập là giả tạo, đáng ngờ, ám chỉ ông đang tìm cách nhận tiền từ kho bạc và đây là một vụ lừa đảo lớn”.
Nhiều tờ báo còn cho rằng ông cố tình tiêm vi khuẩn bệnh vào thi thể để ông trông có vẻ là anh hùng. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia cũng lặp lại giọng điệu chỉ trích trên. Một Thượng nghị sĩ ở Sacramento đã đứng ở cơ quan Thượng viện và nói ông Kinyoun cần bị treo cổ vì những gì ông đang làm.
Sở dĩ nhiều người tìm cách bác bỏ dịch bệnh một phần là vì họ không chấp nhận một ngành khoa học mới mà ít người hiểu rõ. Ông Kinyoun, người hiện nay được coi là cha đẻ của Viện Y tế Quốc gia, thời đó đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vi khuẩn. Khác với các bác sĩ trước đó, ông Kinyoun sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu vi sinh vật mà bệnh nhân của ông không thể nhìn thấy. Thống đốc bang California Henry Gage đặc biệt phản đối ngành khoa học mới này.
Ông Gage từng nói: “Nếu anh không thể nhìn thấy bệnh, nếu anh không thể nhìn thấy điều đang xảy ra, thì sao tôi biết bệnh tồn tại?” Như nhiều người ở California, ông Gage lúc đầu còn không chắc liệu người da trắng có thể nhiễm dịch hạch hay không. Ông hoài nghi: “Nếu tổ tiên ta đã sống sót qua dịch hạch ở châu Âu thì kiểu gì ta cũng có miễn dịch”.
Trái với những gì ông Gage tin tưởng, dịch hạch đã lây nhiễm sang người San Francisco da trắng, nhưng từ đầu, dịch hạch ảnh hưởng mạnh nhất tới cư dân ở khu phố người Hoa. Nhiều người da trắng ban đầu còn không lo ngại vì họ có quan điểm phân biệt chủng tộc, cho rằng nhiễm bệnh là do người nhập cư Trung Quốc bẩn thỉu, đầy bệnh tật. Về phần mình, dân cư ở khu phố người Hoa lại giấu thi thể nạn nhân nhiễm bệnh để cộng đồng tránh bị phân biệt đối xử.
Bác sĩ Joseph J. Kinyoun. Ảnh: History.com
Bà Chase nói: “Khu phố người Hoa tuyệt vọng giữ bí mật dịch bệnh và họ có lý do để làm thế. Sau ca tử vong đầu tiên được xác nhận, người ta chặn phố người Hoa, khiến người dân trong đó không thể đi làm, không thể lấy hàng, giao hàng. Mọi người đều đói khát”. Họ sợ rằng nếu phát hiện thêm nạn nhân chết vì dịch hạch, khu vực họ sống sẽ bị cách ly nhiều hơn hoặc bị thiêu rụi – một biện pháp dập dịch độc ác.
Cuối cùng, thông tin về bùng phát dịch hạch đã lan ra ngoài California. Báo chí ngoài bang đã biết thông tin về dịch bệnh vài tuần sau khi Wong Chut King chết. Ông Kinyoun cũng đã thường xuyên gửi giới chức bang biên bản về tình hình dịch hạch leo thang. Đúng như những gì giới chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp California lo sợ, các bang bắt đầu dọa cắt đứt giao thương với California để ngăn dịch bệnh lây lan.
Dù vậy, lãnh đạo California vẫn bám lấy quan điểm cũ. Trong bức thư chung gửi Ngoại trưởng Mỹ, Thống đốc Gage cáo buộc ông Kinyoun tội tung tin giả về dịch bệnh và tuyên bố San Francisco chưa bao giờ nhìn thấy người nào còn sống mà mắc bệnh.
Một năm sau khi nạn nhân dịch hạch đầu tiên chết, ông Gage đã thành công trong thuyết phục chính phủ liên bang điều chuyển ông Kinyoun tới Detroit. Tới lúc đó, khoảng 100 người đã chết vì dịch bệnh.
Người thay thế ông Kynyoun làm Giám đốc Sở Bệnh viện Biển ở San Francisco là bác sĩ Rupert Blue. Mặc dù ông cũng gặp sự phản kháng trong chống dịch bệnh nhưng ông có lợi thế hơn ông Kynyoun. Ông truyền đạt thông tin y học và khoa học tốt hơn ông Kinyoun. Ông cũng chiếm được lòng tin của cộng đồng người Hoa ở thành phố.
Ông Blue đã giúp chấm dứt đợt bùng phát dịch hạch bằng các sáng kiến như dọn dẹp thành phố, diệt chuột vì loài bọ chét ký sinh trên chuột truyền bệnh cho người. Tới năm 1908, San Francisco không còn dịch hạch. Báo chí California đưa thông tin hết dịch hạch cho dù trước đây họ từng bác bỏ sự tồn tại của dịch.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dịch hạch đã rời nước Mỹ. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có trung bình 7 ca mắc dịch hạch. Hầu hết các ca xảy ra ở miền Tây nước Mỹ. Mùa hè năm 2019, có thông tin về loài sóc chó mang bọ chét nhiễm bệnh, khiến nhiều khu vực Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Arsenal núi Rocky ở Colorado phải đóng cửa.
Trong báo cáo về cuốn sách, tác giả Chase cho biết các nhà khoa học tại Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ở Fort Collins cho rằng dòng dịch hạch tồn tại ở miền Tây hiện nay có nguồn gốc từ dòng dịch hạch mà các tàu thủy đầy chuột mang theo tới Mỹ năm 1900. Bà Chase nhận định: “Rất có thể dịch hạch đã lây lan và tồn tại tới ngày nay là do chậm trễ trong kiềm chế dịch bệnh ở San Francisco thời đó”.