Dân Việt

Đây! Lý do môn thể thao lạ hoắc kurash trở thành “mỏ vàng” của TTVN

Khánh Gia 03/12/2019 13:10 GMT+7
Theo nhiều nguồn tư liệu, kurash - môn thể thao đã mang về 7 HCV cho đoàn TTVN tại SEA Games 30 có luật thi đấu khá giống với judo.

Trong 2 ngày thi đấu đầu tiên của SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã liên tiếp có được thành công ở nhiều môn thể thao. Nổi bật nhất chính là kurash, môn võ đã mang về tới 7 HCV trong tổng số 15 ngôi quán quân mà các VĐV của chúng ta giành được.

Đặc biệt, ở ngày thi đấu thứ hai (2/12), kurash là môn thể thao duy nhất giành HCV với 5 võ sĩ đăng quang. Rất nhiều người hâm mộ thể thao Việt Nam vui mừng với thành công của đội tuyển kurash, nhưng cũng chưa rõ môn thể thao này... là gì, có luật thi đấu ra sao.

img

Đội tuyển kurash Việt Nam đã thi đấu thành công tại SEA Games 30. Ảnh: Đàm Duy

Tìm hiểu các tư liệu khác nhau, được biết kurash là môn võ truyền thống của Uzbekistan (có tài liệu nói của Mông Cổ). Kurash có lối đánh tương tự như judo và vật, nhằm rèn luyện sức khỏe, độ bền và sự nhanh nhạy. Khi thi đấu, võ sĩ kurash mặc hai màu áo khác nhau (xanh da trời và xanh lá cây) thay vì một màu như judo và thời gian thi đấu ngắn hơn.

Về luật thi đấu, các võ sĩ kurash không được dùng những đòn nguy hiểm ở môn judo. Trong thi đấu, võ sĩ kurash chỉ được dùng tay tác động từ thắt lưng đối thủ trở lên, nếu dùng tay cầm - quăng từ thắt lưng trở xuống sẽ bị phạt. Một võ sĩ judo khi quăng - ném đối phương bằng đòn hông hay chân sẽ thuận tay nắm luôn quần đối thủ khi chạm thảm để thực hiện đòn đè. Nhưng ở kurash, cách đánh này sẽ bị trừ điểm.

Chính vì kurash có nhiều điểm tương đồng với judo nên khi môn thể thao này được đưa vào thi đấu, không ít VĐV judo đã được huấn luyện để tranh tài. Tại SEA Games 30, nhiều võ sĩ Việt Nam vốn quen chơi judo nên không gặp quá nhiều khó khăn để tìm hiểu kỹ luật lệ của kurash và thi đấu đạt hiệu quả cao.

img

Võ sĩ Trần Thị Thanh Thủy (phải) đã chấp nhận hy sinh để giành HCV kurash. Ảnh: Đàm Duy

Thậm chí, có võ sĩ của Việt Nam như Trần Thị Thanh Thủy đã chấp nhận phá vóc dáng, ăn nhiều để tăng cân và có thêm lợi thế khi thi đấu. Nhờ đó, cô đã giành HCV vô cùng thuyết phục ở môn kurash nội dung trên 70kg nữ.