Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, trong năm 2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn đạt hơn 3.666 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu Chương trình giảm nghèo hơn 3.558 tỷ đồng; còn lại hơn 100 tỷ đồng là ngân sách địa phương và xã hội hóa.
Với nguồn vốn đó, Nghệ An đã đầu tư vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi. Ngoài ra, Nghệ An còn thực hiện các chương trình, dự án khác, như: Chương trình 30a (294 tỷ đồng); 135 (185 tỷ đồng); hỗ trợ cây trồng, vật nuôi tại các huyện nghèo và vùng bãi ngang.
Người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thu hoạch hồng. Ngoài quả đào, hồng cũng được coi là một trong những loại cây ăn quả giúp đồng bào Kỳ Sơn thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Ảnh: Cảnh Thắng
Trước đây, gia đình Xồng Bá Dênh (sinh năm 1985, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) luôn nằm trong danh sách cứu đói của xã. Nhưng hiện nay, Dênh đã là ông chủ của một mô hình kinh tế ăn nên làm ra ở xã vùng biên này. Sở dĩ có thành quả đó là nhờ Dênh được vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn này, Dênh mua trâu cái địa phương về nuôi. Nhờ quản lý tốt dịch bệnh, chủ động nguồn thức ăn dự trữ, đến nay Xồng Bá Dênh đã sở hữu đàn trâu 12 con và 9 con bò, thu nhập bình quân hàng đạt gần 200 triệu đồng.
Anh Xồng Bá Dênh cho biết: “Nhờ được quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi mà gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững. Các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hay nguồn Quỹ của các tổ chức xã hội sẽ là “bà đỡ” cho người dân vùng biên như gia đình tôi trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Con Cuông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện này đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống bền vững cho người dân. Chỉ tính trong 3 năm qua, huyện Con Cuông đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn với 62 mô hình, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng cho 2.000 lượt hộ dân tham gia và hưởng lợi.
Trong đó phải kể đến đề án hỗ trợ bò sinh sản của Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông, thực hiện từ năm 2017 cho 5 hộ nghèo trên địa bàn xã Chi Khê, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp 4/5 hộ thoát nghèo.
Gia đình ông Vi Trung Mão, bản Bãi Văn (xã Chi Khê) thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn mua con giống phát triển kinh tế. Năm 2017, gia đình ông là 1/5 hộ được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản. Trong quá trình chăm sóc gia đình đã trồng thêm cỏ để chăm sóc bò. Đến nay cả 2 con bò giống đang phát triển tốt và đã sinh bê con.
“Là người nông dân như chúng tôi, nếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng lúa thì sẽ không đủ ăn, muốn mua con giống để phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn. Gia đình tôi may mắn được huyện hỗ trợ 1 cặp bò giống, đến nay đã sinh bê con. Tôi rất cảm ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo như gia đình chúng tôi” - ông Mão chia sẻ.
Nói về công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy chính quyền địa phương, hiện nay trung bình một xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn ở Nghệ An được thụ hưởng trên 20 loại chính sách mỗi năm. Công tác giảm nghèo ở Nghệ An đã đạt được kết quả tốt nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tái nghèo còn cao.
Bên cạnh những hộ khó khăn luôn khát khao thoát nghèo, nỗ lực vươn lên thì vẫn còn một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, không thuộc diện hộ nghèo nhưng “tình nguyện” xin làm hộ nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt việc được hỗ trợ “tận tay” đã vô tình tạo nên sức ỳ lớn trong việc thoát nghèo của một số hộ dân.
“Các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo cần phải thay đổi để phù hợp và phát huy được ý nghĩa tốt đẹp. Việc hỗ trợ là cần thiết nhưng phải kích thích được việc tổ chức sản xuất thay vì ngồi không và thụ hưởng như hiện nay”- ông Lương Thanh Hải nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần phải giảm tình trạng “cho không”, tất nhiên là trừ những hộ không thể thoát nghèo như hộ người già, người tàn tật. Thay vì “cho không” cần tăng hỗ trợ có điều kiện như cho vay vốn, hoặc “cho không” nhưng cần có điều kiện kèm theo để gắn trách nhiệm của người thụ hưởng trong vấn đề thoát nghèo. “Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, điều quan trọng nhất là cần tạo sinh kế bền vững cho chính người dân. Muốn vậy cần phải có những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Người dân trước hết là phải đủ ăn, không phải cứu đói thì mới có thể tính đến chuyện thoát nghèo và làm giàu”, ông Hải cho hay.
Chương trình giảm nghèo triển khai trên địa bàn Nghệ An đã có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu thiết yếu như: nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm... đã giải quyết được, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Ước đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4%. |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”