Dân Việt

Kiểm soát chặt vận chuyển, buôn bán lợn tránh dịch tả lợn CP lây lan

P.V 05/12/2019 11:06 GMT+7
Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 4249/HD-BNN-TY hướng dẫn kiểm soát vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF).

Clip: Kiểm soát chặt vận chuyển, buôn bán lợn tránh dịch tả lợn CP lây lan

1. Phòng bệnh tại cơ sở  chăn nuôi xuất, bán heo

a. Có quy trình và thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa mầm bệnh ASF xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi heo. 

b. Thực hiện các biện pháp giám sát, phòng bệnh theo quy định của pháp luật hiện hành. 

2. Kiểm soát vận chuyển heo  ra ngoài, vào trong vùng dịch

a. Heo có nguồn gốc từ cơ sở không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu máu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF trước khi vận chuyển ra ngoài.

b. Heo được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 3/7/2012 của Bộ NN&PTNT) từ cơ sở sản xuất heo đến trực tiếp cơ sở nuôi heo (cơ sở tiếp nhận heo).

c. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi xuất bán heo, cơ sở tiếp nhận heo.

d. Đối với trường hợp vận chuyển heo ra, vào vùng dịch trong địa bàn cấp tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF. Trường hợp heo có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh ASF, heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT, đồng thời thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển heo về địa phương.

đ. Đối với cơ sở tiếp nhận heo nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định; trước khi tiếp nhận heo, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý. 

img

Kiểm soát, vận chuyển heo đảm bảo không lây lan ASF - Ảnh: ST

3. Kiểm soát vận chuyển heo đi qua địa bàn của tỉnh, thành phố có dịch đến địa phương khác

a. Thực hiện các nội dung của Mục 2 văn bản này.

b. Thông báo cho các địa phương về lộ trình vận chuyển heo. Phương tiện vận chuyển phải đi theo lộ trình hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương có phương tiện vận chuyển heo đi qua. 

4. Lấy mẫu heo để xét nghiệm mầm bệnh ASF

Trước khi vận chuyển, chủ cơ sở chăn nuôi heo phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu máu heo để xét nghiệm mầm bệnh ASF như sau:

a. Đối với trường hợp xuất bán, vận chuyển heo tại cơ sở chăn nuôi có tổng đàn dưới 100 con: Lấy mẫu máu của 15 con heo để gộp thành 3 mẫu xét nghiệm. Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dưới 15 con heo, lấy mẫu máu của 5 con heo và gộp thành 1 mẫu xét nghiệm.

b. Đối với trường hợp xuất bán, vận chuyển heo tại các cơ sở chăn nuôi có tổng đàn từ 100 con trở lên: Lấy mẫu máu của heo với số lượng theo quy định tại Bảng 2, Phụ lục XI của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn với tỷ lệ mắc bệnh dự đoán là 10% và gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm.

Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm có giá trị với lô heo đã đăng ký vận chuyển và có giá trị trong vòng 10 ngày kể từ ngày trả lời kết quả.

Chủ cơ sở chăn nuôi heo chi trả kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm mẫu. 

5. Xử lý heo dương tính với mầm bệnh ASF

Tiêu hủy ngay toàn bộ heo tại ô chuồng nuôi dương tính với mầm bệnh ASF; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Căn cứ vào văn bản hướng dẫn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm không lây lan dịch bệnh.