Dân Việt

Sau sự cố nhiễm dầu, Hà Nội giám sát hệ thống nước sạch sông Đà

Hoàng Thành 04/12/2019 16:41 GMT+7
Từ khi xảy ra các sự cố nước sạch của hàng nghìn hộ dân nhiễm bẩn do dầu thải đổ trên đầu nguồn, Hà Nội “cắt cử” một bộ phận thường xuyên kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của nhà máy nước sạch sông Đà.

Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ngày 4/12.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, liên quan đến các sự cố nước sạch vừa qua, thành phố đang rất tích cực xử lý. Từ khi xảy ra các sự cố, Sở Xây dựng luôn có một bộ phận kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của nhà máy nước sông Đà.

“Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng TP. Hà Nội xem xét nước mặt Sông Đà liên quan đường ống, không để xảy ra sự cố đường ống. Về việc kiểm tra chất lượng nguồn nước vào, sản xuất, các điểm tiêu thụ nước mặt sông Đà, Sở Y tế và các ngành đang kiểm tra các chỉ tiêu để đảm bảo yêu cầu về nước cho người dân. TP cũng có một kênh tiếp nhận thông tin từ nhân dân phản ánh về chất lượng nước, tình trạng cấp nước để kịp thời có điều hành chỉ đạo các đơn vị thực hiện đáp ứng yêu cầu của nhân dân”, ông Hùng nói.

img

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.

Nhấn mạnh “nước sạch là nhu cầu cáp thiết đối với nhân dân Hà Nội”, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, đây là lĩnh vực được Thành ủy, HĐND, UBND đặc biệt quan tâm nên trong Nghị quyết của Thành ủy các nhiệm kỳ, chỉ tiêu nước sạch luôn là chỉ tiêu được quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, là chỉ tiêu đánh giá kết quả phấn đấu hoàn thành của TP đảm bảo đời sống người dân. 

Trong nhiệm kỳ này, TP quyết định  một phương án chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch cho toàn bộ thành phố; quy về một đầu mối để quản lý toàn bộ nước sạch của TP; xem xét điều chỉnh hệ thống quy hoạch nước sạch làm sao cho hợp lý, đảm bảo an ninh, đảm bảo cấp nước cho nhân dân khi xảy ra sự cố. Đồng thời, tăng cường vấn đề đầu tư đồng thời xử lý các dầu tư trước đây không hiệu quả.

Hiện TP. Hà Nội có 2 nguồn khai thác nước sạch là nước ngầm và nước mặt. Trong đó, TP đã yêu cầu khai thác nước ngầm phải đảm bảo chất lượng nguồn nước, với những giếng nước ngầm có hiện tượng suy thoái không đảm bảo thì có lộ trình đóng, còn những nơi nguồn tốt thì nâng công suất sử dụng.

Đồng thời, TP phát triển đồng bộ các nhà máy nước mặt, trong đó theo quy hoạch đã có nhà máy nước mặt Sông Đà, nhà máy nước mặt Sông Hồng, nhà máy nước mặt Sông Đuống. 

Ngoài nhà máy sông Hồng đang chậm so với yêu cầu, nhà máy sông Đuống đã cung cấp nước sạch giai đoạn II phấn đấu đạt 300.000m3/ngày-đêm thì nhà máy sông Đà đang được khai thác 230.000-250.000 m3/ngày-đêm. Đối với vấn đề cốt lõi là phát triển mạng, TP hiện có hơn 20 nhà đầu tư triển khai hơn 30 dự án để triển khai toàn hệ thống đến vùng nông thôn.

img

Khu vực đầu nguồn nước sạch sông Đà (Hòa Bình) trước khi được truyền tải về Hà Nội.

Đối với vấn đề cốt lõi là phát triển mạng, TP kêu gọi trên 20 nhà đầu tư triển khai hơn 30 dự án đến khu vực nông thôn. “Khó khăn nhất là nhiều nơi xa nên khó đấu nối, việc này TP đang cố gắng”, ông Hùng cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, công tác cung cấp nước sách đặt ra các yêu cầu: Nước sạch đảm bảo công suất phục vụ người dân và sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng nước sạch, tổ chức tốt việc cung cấp nước, đáp ứng xử lý các tình huống khi có sự cố xảy ra.

TP đang kiểm tra đôn đốc các nhà đầu tư phải tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, như nhà máy nước mặt sông Hồng; khắc phục các sự cố của các nhà máy nước đang tồn tại như nhà máy nước sạch sông Đà; tiếp tục tháo gỡ cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư nhất là về cấp nước cho nông thôn, đặc biệt cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, tham gia của người dân, TP tháo gỡ khó khăn về đất đai, thủ tục… “Với các khó khăn về chính sách với nhà đầu tư, TP đang quan tâm giải quyết”, ông nói.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, TP vẫn giữ ổn định giá nước cho người dân từ năm 2013 đến nay. Đặc biệt, TP đang xem xét hỗ trợ giá nước cho khu vực nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa hoặc những vùng có tác động, để người dân vừa được dùng nước đảm bảo tiêu chuẩn vừa phù hợp điều kiện kinh tế từng khu vực.

Ngày 10/10, người dân 8 quận, huyện ở Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi lạ khó chịu. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn.

Trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch sông Đà không thừa nhận trách nhiệm, cho rằng công ty mới là nạn nhân lớn nhất. Họ không đưa ra lời xin lỗi với người dân.

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm đổ dầu thải là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú.

Số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.