Ngày 4/12, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, Nghị quyết quy định mức trần học phí năm học 2020-2021 đối với trường công lập chất lượng cao được HĐND thành phố Hà Nội thông qua với tỷ lệ 94,06% đại biểu tán thành.
Như vậy, mức trần học phí trong năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội với bậc tiểu học là 5,5 triệu đồng/tháng, bậc THPT là 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm học trước đó. Mức trần học phí đối với cấp mầm non và THCS năm học 2020-2021 sẽ được giữ nguyên như năm học 2019-2020. Theo đó, cấp mầm non vẫn có mức trần học phí là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Cấp THCS có mức trần học phí là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng.
Học phí trường tiểu học, THPT công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng trong năm học 2020 - 2021.
Theo quy định, trên cơ sở mức trần học phí, người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn, chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để quyết định mức thu học phí cụ thể.
Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn Thủ đô có 19 trường chất lượng cao nằm trong danh sách được công nhận, trong đó có 14 trường công lập (7 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 4 trường THCS, 1 trường THPT) và 5 trường ngoài công lập.
Trong số 14 trường chất lượng cao kể trên, năm học 2019 - 2020 đã có 2 trường thu học phí 100% mức trần là Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) và Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), 12 trường còn lại có mức thu từ 40% đến 98% mức học phí trần.
Chị Thu Hương có con đang theo học tại một trường THCS công lập chất lượng cao trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, học phí tăng dù ít hay nhiều đều đặt thêm áp lực lên vai phụ huynh.
"Lương không tăng theo năm nhưng mức học phí lại tăng đều đều khiến chúng tôi vất vả hơn. Với mức học phí cao gấp nhiều lần, thậm chí nhiều chục lần so với các trường công lập "không chất lượng cao" khác, liệu chất lượng học tập, sinh hoạt dành cho các con có phải là tốt nhất hay không? Thực tế, mức học phí hiện nay ở trường công đã gần ngang ngửa với một số các trường dân lập có tiếng khác nhưng các hoạt động ngoại khóa trong trường thì thua hẳn các trường dân lập này", chị Hương cho hay.
Phụ huynh lo lắng về mức tăng học phí trong năm học mới tại Hà Nội.
Trước thông tin tăng học phí, ngày 5/12, nhiều phụ huynh đã chia sẻ với Dân Việt về băn khoăn của mình.
Thực tế, câu hỏi về mặt chất lượng của các trường công lập luôn được phụ huynh thắc mắc liệu có tương xứng với số tiền mà phụ huynh bỏ ra, không ít ý kiến cho rằng sẽ cân nhắc chuyện chuyển trường cho con nếu học phí cứ tiếp tục tăng.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, phụ huynh Trần Đình Thưởng (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn, vì sao nhiều tỉnh thành giảm học phí thậm chí miễn thì Hà Nội vẫn cứ tăng đều đặn.
"Tăng học phí theo lộ trình hàng năm nhưng chất lượng giảng dạy thì vẫn giậm chân tại chỗ, không thấy nhiều cải thiện về mặt nội dung, phương pháp cho tới ngay cả những trang thiết bị như thư viện, phòng thực hành, thể thao... trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Tăng vài chục nghìn cho tới vài trăm có thể là dễ với người này nhưng lại rất khó khăn với người khác, tôi nghĩ cần phải cho phụ huynh thấy được chất lượng đi cũng tăng cùng với học phí thì mới thuyết phục", anh Thưởng nói.
Về vấn đề tăng học phí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, Hà Nội cần phải minh bạch thu chi và công khai chất lượng của các trường chất lượng cao trên địa bàn.
"Nếu so sánh học phí của các trường ở Hà Nội với các tỉnh thành khác là khá cao. Cần phải đặt ra các tiêu chí để xác định được chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất của các trường chất lượng cao. Đặc biệt, theo quy định, mức học phí này phải có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận huyện, thị xã hoặc Sở GDĐT theo phân cấp quản lý. Vì vậy thủ trưởng của cơ sở giáo dục cũng cần lắng nghe nguyện vọng, đề đạt của phụ huynh để xác định được mức học phí hợp lý với mặt bằng chung".