Dân Việt

Cơ chế “khép cửa”

10/12/2010 14:10 GMT+7
(Dân Việt) - Dự thảo lần 4 hướng dẫn định mức biên chế tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập vừa được Bộ GD – ĐT đưa ra đã nhận được rất nhiều phản hồi từ địa phương và các đối tượng ảnh hưởng của dự thảo.

Trong đó, nhiều phụ huynh, giáo viên, cán bộ các địa phương ở nông thôn, vùng khó khăn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp… cho rằng việc quy định sĩ số không quá 35 trẻ/lớp thực sự là “quá sức” trong điều kiện số lượng trẻ quá đông và cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn ở nhiều địa phương hiện nay.

Nhiều phụ huynh lo ngại vì nghĩ đến viễn cảnh rồi sẽ không xin được cho con vào nhà trẻ công lập, sẽ tái diễn cảnh trắng đêm chầu chực ở cổng trường để nộp đơn xin học cho con; phải “nhắm mắt” đưa con vào những nhà trẻ tư thục “3 không”…

Để làm rõ hơn về chính sách có liên quan tới hàng ngàn trường mẫu giáo, hàng triệu trẻ nhỏ, PV NTNN đã liên hệ phỏng vấn Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng Dự thảo Thông tư thì Phó Cục trưởng Nguyễn Hải Thập - người phụ trách trực tiếp dự thảo nói: “Không thể trả lời báo chí khi chưa có chỉ đạo của Bộ trưởng” và yêu cầu làm công văn chuyển sang Bộ GD-ĐT.

Sau nhiều lần đi lại, PV NTNN mới gửi được văn bản cho phòng Hành chính (trực thuộc Văn phòng Bộ GD-ĐT) thì lại nhận được yêu cầu: “Đơn vị nào trực tiếp soạn thảo thì chị mang công văn sang đơn vị ấy trả lời”, trong khi đó, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn khăng khăng: “Bộ đã có quy chế phát ngôn, phải có ý kiến của Bộ GD-ĐT, chúng tôi mới trả lời”.

Thật ngạc nhiên là các Vụ, Cục trực tiếp phụ trách chuyên môn, hiểu rõ dự thảo, các văn bản do chính họ làm, nhưng khi được hỏi lại không thể trả lời? Vậy ai sẽ trả lời? Làm thế nào để thắc mắc, góp ý của người dân đến được với cơ quan soạn thảo văn bản mà sau đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ?