Ông Nguyễn Hoàng Minh (áo trắng) chia sẻ về hoạt động tài chính tiêu dùng thời gian qua. Ảnh: Quốc Hải
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, bài toán ngăn chặn hoạt động tín dụng đen đòi hỏi nhiều đơn vị phải có giải pháp đồng bộ. Riêng ngành ngân hàng, NHNN thời gian qua coi việc phát triển thị trường tài chính lành mạnh là giải pháp tốt nhất đáp ứng nhu cầu người dân cũng như là giải pháp hiệu quả nhất ngăn chặn tín dụng đen.
“3 năm qua, chúng ta chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh của hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng. Hiện, dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng tới cuối tháng 10 riêng trên địa bàn TP.HCM là hơn 450.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2018, chỉ tiêu này tăng khoảng 36-37%/năm. Đây là một tốc độ phát triển rất mạnh mẽ”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, trước đà phát triển mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 18 trong tháng 11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động an toàn, hiệu quả và văn hóa hơn.
Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020. Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết quy định mới có 3 điểm quan trọng.
Đầu tiên là yêu cầu về tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Theo đó, NHNN đề ra lộ trình giảm tỷ lệ giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2023 chỉ còn 30%. Hiện tại tỷ lệ này đang ở mức trên 70%.
Điểm quan trọng thứ 2, là văn hóa đòi nợ.
"Vấn đề thu nợ của các công ty tài chính đã được quy định rõ ràng hơn. Thời gian qua trong xã hội còn nhiều công ty tài chính có văn hóa thu hồi nợ gây nhiều lo ngại cho dư luận, xã hội. Thậm chí có người không nợ cũng bị đòi nợ, rất phản cảm", ông Minh nhìn nhận.
Theo đó, thông tư mới sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua.
Điểm quan trọng cuối cùng là quy định yêu cầu hoạt động của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch. Trong đó, lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi sẽ được công khai. Công ty tài chính cũng phải phải trả lời khiếu nại của khách hàng.
“Với cơ sở pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng dùng sẽ hoạt động theo hướng tích cực, thuận lợi, an toàn, minh bạch hơn, đặc biệt trong xu hướng số hóa”, ông Minh nhìn nhận.