Dân Việt

VPF... "quá nhanh, quá nguy hiểm"

27/02/2012 06:11 GMT+7
Chuyện VPF “bắt tay” với VTV để thành hình cái gọi là thỏa thuận trị giá hơn 70 tỷ đồng bản quyền truyền hình 3 giải bóng đá, có vẻ giống tên bộ phim nổi tiếng của Mỹ: Fast and Furious (Quá nhanh, quá nguy hiểm).

Cái thỏa thuận mà ông Kiên đại diện cho VPF ký với VTV vào ngày 29.12.2011 về bản quyền truyền hình, có vẻ cũng “quá nhanh, quá nguy hiểm” như cái tựa phim kể trên.

img
Bầu Kiên trả lời báo chí sau cuộc làm việc giữa VPF và Tổng cục TDTT

Mặc dù chỉ là thỏa thuận về mặt nguyên tắc để làm cơ sở đàm phán ký kết hợp đồng, nhưng nội dung bản thỏa thuận này có gần như đầy đủ các điều khoản như một bản hợp đồng đúng nghĩa. Thậm chí, nhiều chỗ VPF và VTV còn sử dụng từ “hợp đồng” để nói về bản thỏa thuận này.

Không chỉ là về hình thức, việc VPF và VTV ký thỏa thuận này cũng “quá nhanh”. Hai bên đặt bút ký thỏa thuận nguyên tắc với nội dung VPF bán và VTV mua “bản quyền truyền hình 03 năm các giải bóng đá chuyên nghiệp do VPF tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam gồm có, giải Ngoại hạng quốc gia, giải hạng Nhất, Cúp QG và trận siêu Cúp QG”, vào ngày 29.12.2011. Nghĩa là chỉ 1 ngày sau khi có Nghị quyết số 426 của VFF giao cho VPF quyền tổ chức, quản lý điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, VPF đã bán bản quyền truyền hình.

Cũng cần phải nhắc lại rằng vào ngày 29.12.2011, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã khẳng định rằng: “VFF chưa có văn bản chính thức về việc chuyển giao cho VPF hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF ký với AVG vào năm 2010”.

Khi chưa có thương quyền truyền hình trong tay, VPF đã bán cho VTV theo thời hạn 3 năm và mức giá 20 tỷ đồng/1 năm và hàng năm giá trị hợp đồng tăng 15%. Phải chăng cái giá trị “khủng” hơn 70 tỷ đồng của thỏa thuận này đã khiến họ trở nên “quá nhanh”?

Chưa hết, nội dung của thỏa thuận giữa VPF và VTV còn… “quá nguy hiểm”. Bởi trong đó, có một điều khoản quy định VPF sẽ phải đảm bảo cho VTV là “đơn vị duy nhất có bản quyền truyền hình và quyền được phép vào sân ghi hình để phát sóng các trận bóng đá mà VTV đã mua bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam”.

Với quy định này, việc VPF bán độc quyền bản quyền cho VTV, rất dễ dẫn tới tình trạng giống như truyền hình K+ đang độc quyền các trận đấu Super Sunday của giải ngoại hạng Anh hiện tại.

Thêm nữa, dường như VPF không thông báo việc bán độc quyền bản quyền này một cách rộng rãi và công khai cho các nhà đài khác. Và khi thỏa thuận được “nâng cấp” thành hợp đồng, thì VTC - đơn vị nhất mực chạy theo VPF khi cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình xảy ra, cũng như các đài địa phương (trong đó có những “nhà đài” mà địa phương có đội bóng dự các giải), có thể sẽ phải nằm ngoài “vùng phủ sóng” bản quyền truyền hình.

Lại nhớ, khi đòi xem xét lại hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình giữa VFF và công ty CP truyền thông An Viên (AVG), VPF luôn “tố” bản hợp đồng này vi phạm luật đấu thầu.

Thậm chí, trong khiếu nại kết luận Thanh tra gửi Bộ VH-TT-DL hôm 16.2, VPF còn tố VFF không thông báo chủ trương ký hợp đồng 20 năm với AVG cho các nhà đài vốn là đối tác truyền thống là VTV, VTC… cùng tham gia cạnh tranh, nhằm kiếm được bản hợp đồng có lợi cho VFF và các CLB.

VPF tố VFF “đi đêm” với AVG, nhưng cách đây 2 tháng, dường như chính họ - VPF cũng đã không “quang minh chính đại” khi thỏa thuận với VTV.

Theo Đất Việt