Chiều 5/12, HĐND TP. Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn với nội dung thứ 3 với nhóm vấn đề thứ hai là về công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, tập trung vào vấn đề phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn trong năm 2019.
Tại đây, trả lời chất vấn về công tác đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô năm 2019, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, về phạm pháp hình sự năm 2019, dù đã được kiềm chế, kéo giảm, tuy nhiên nổi lên một số vấn đề đáng báo động.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn nội dung về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thứ nhất, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội diễn biến phức tạp, có vụ đối tượng giết nhiều người, giết người thân với hành vi dã man, tàn bạo gây bức xúc trong dư luận.
Thứ hai, tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng, báo động sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận công dân.
"Trong năm 2019 phát hiện 63 vụ với 68 đối tượng xâm hại tình dục 75 trẻ em, tăng 15 vụ so với năm 2018", Tướng Khương cho hay.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhắc lại việc trong các báo cáo của Ban pháp chế của HĐND có đặt vấn đề công tác phòng ngừa xã hội thuộc trách nhiệm công an cơ sở các cấp. Thời gian qua, các vụ giết người hoặc tội phạm nghiêm trọng đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân, kể cả mâu thuẫn tranh chấp đất đai…
"Tôi chưa thấy rõ ý này trong báo cáo của Giám đốc Công an TP, và yêu cầu đồng chí báo cáo rõ với TP, chúng ta cần làm gì, giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm giết người nghiêm trọng này? Hiệu quả của công tác này", đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn, Trung tướng Đoàn Duy Khương dẫn chứng vụ việc từ mâu thuẫn đất đai dẫn tới chém cả nhà anh trai, làm 4 người chết ở huyện Đan Phượng, và cho biết đã yêu cầu công an huyện Đan Phượng, công an xã Hồng Hà kiểm điểm.
"Đây là vụ mâu thuẫn giữa hai anh em, đã từng kiện cáo nhau, mâu thuẫn với nhau ai cũng biết. Mâu thuẫn như thế thì tổ hòa giải ở đâu?, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên ở đâu?. Dù sao, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm nòng cốt tham mưu của công an tham mưu trong phòng ngừa nghiệp vụ gắn với phòng ngừa xã hội chưa được", Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng trong phần trả lời của mình, Tướng Khương cho biết, trong phòng ngừa xã hội, một số đại biểu nêu vấn đề ngáo đá, ngáo rượu, tâm thần. Tháng 8/2016 Công an TP đã tổ chức nhiều hội thảo nêu ra khái niệm thế nào là ngáo đá; từ đó chỉ đạo các công an cơ sở rà soát lên danh sách các trường hợp ngáo đá, ngáo rượu.
"Toàn thành phố có 257 đối tượng ngáo đá, Công an TP quyết tâm đưa hết số này vào cai nghiện. Nhưng việc đưa các đối tượng vào cai nghiện trong một hành lang pháp lý rất khó khăn, chỉ khi gia đình tự nguyện đưa đi mới giải quyết được. Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu của lực lượng công an ở đâu? Tôi cũng không phải đổ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đảm bảo ANTT là của toàn đảng toàn quân toàn dân", ông nói.
"Chính số ngáo đá gây ra nhiều vụ án, thậm chí thảm án ngay chính trong gia đình. Rồi người tâm thần cũng thế. Nhưng xử lý cũng rất khó khăn, để xử lý phải có kinh phí, mà chính quyền không có tiền cho việc này, còn vào viện khi hết tiền thì lại ra", ông nói tiếp.
Tái chất vấn về số vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng cao, đại biểu Hoàng Tú Anh đề nghị giám đốc Công an TP cho biết giải pháp ngăn chặn loại tội phạm nêu trên?.
"Xin báo cáo tội phạm xâm hại tình dục không chỉ với các cháu gái mà cả với những cháu trai, không chỉ tội phạm trong nước, cả người nước ngoài. Từ thực trạng này, Công an thành phố đã có kế hoạch đấu tranh phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, công an các quận, huyện thị xã tập trung triển khai", Tướng Khương trả lời.
Về xử lý, ông Khương cho biết như lãnh đạo TAND thành phố đã trả lời, các vụ việc đều được đưa ra xét xử nghiêm minh. "Hình phạt, mức phạt đều cao nhất, đây là một trong loại tội phạm xử rất nghiêm khắc"-ông Khương nói.
Về nguyên nhân, ông Khương cho biết nguyên nhân chủ yếu do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế; tâm lý sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Xét xử vụ mâu thuẫn nhỏ tại Đan Phượng trước Tết nguyên đán Sáng ngày 3/12, báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2020, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận quan tâm, vụ án kinh tế lớn. Cụ thể, ngày 12/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án giết cả gia đình vì mâu thuẫn nhỏ nhặt tại huyện Đan Phượng. Vào ngày 16/12 đến cuối tháng 12, tòa án Hà Nội đưa vụ án AVG ra xét xử. Đầu tháng 1//2020, tòa án đưa ra xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và các đồng phạm nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng… |