Dân Việt

Thiên tình sử rơi nước mắt của lão ngư mù

10/12/2010 18:19 GMT+7
(Dân Việt) - Có một chuyện tình bấy nay làm dân chài sống ven sông Hồng cảm động đến rơi nước mắt. Dường như đôi vợ chồng ấy trời sinh để dệt thêu một thiên tình sử hệt như trong miền cổ tích.

Len lỏi mãi rồi tôi cũng tìm được một lối nhỏ dẫn xuống mép sông Hồng, bốn bề cỏ dại um tùm cao quá cổ, đoạn xã Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đang loay hoay không biết làm thế nào để tìm được đôi vợ chồng ấy thì một chiếc thuyền tấp vào bờ và người chèo thuyền hỏi: “Tìm gì ở bãi hoang này thế?”.

Sau khi trình bày lý do, anh thuyền chài quăng đống lưới xuống bãi, nói: “Lên thuyền tôi chở. Hỏi Thắng “mù” thì ngư dân trên mấy chục km sông Hồng ai chả biết. Lão ấy mù nhưng đánh cá giỏi lắm”.

Tai họa bất ngờ

img
Anh Thắng, chị Dung và "ngôi nhà" hạnh phúc

Anh Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1958, là con thứ hai trong một gia đình có 3 anh em, từ đời tổ đời tông đã gắn chặt với nghề sông nước. Bố mẹ anh Thắng là người nhận thức được sự đen bạc của nghề chài lưới nên tìm mọi cách cho con cái được lên bờ, những mong đời con, đời cháu được thay đổi mà mở mày, mở mặt.

18 tuổi, Thắng vào làm công nhân ở Công ty Xây dựng công trình 4. Những tưởng cuộc sống thế là mãn nguyện, bố mẹ cũng được ngẩng mặt với dân chài vì có 3 đứa con đều được lên bờ cả, nào ngờ một tai nạn bất ngờ xảy đến với Thắng.

Hôm đó, đã gần trưa, anh em công nhân nghỉ hết, song Thắng vẫn cố trát nốt bức vách cho xong, nào ngờ một viên đá bằng quả dừa từ trên tầng hai rơi xuống trúng đầu, Thắng sa sầm mặt mày rồi bất tỉnh. Thắng hôn mê suốt 10 ngày trong bệnh viện mới tỉnh.

Lúc mở mắt, anh thấy trước mặt cái gì cũng một màu vàng nhạt, đứt đoạn rồi vài hôm sau mất hẳn, chỉ thấy toàn bóng đêm. Bố mẹ Thắng đau buồn, suy sụp. Người mẹ chán nản mà đổ bệnh. Một ngày, ngư dân làng chài thấy xác bố anh nổi lềnh phềnh giữa đám lau lách ngoài bãi.

Chả ai biết vì sao ông chết, nhưng họ đồn ông hận đời không lo được cho đứa con bệnh tật mà tự vẫn. Cô dì, chú bác còn phải lênh đênh nay đây mai đó kiếm cá đổi cơm. Thắng bị lãng quên trong bệnh viện suốt 3 năm trời.

Cuộc tình trong bệnh viện

img
Anh Thắng chuẩn bị thả lưới

Một ngày, Thắng tỉnh giấc bởi tiếng khóc khe khẽ của cô gái ở đầu giường. Thắng lồm cồm bò dậy, lần lần khuôn mặt đẫm nước mắt của cô gái. Đó là Hạnh. Hạnh và Thắng có một tuổi thơ sông nước đầy vất vả, lênh đênh.

Hai người đã yêu nhau ngay từ những ngày còn ngụp lặn mò hến, cào trai ngoài bãi giữa. Lúc này, cho dù không còn nhìn thấy gì, song con tim anh cũng cảm nhận được câu chuyện tình yêu dù có đẹp đến nhường nào cũng sắp đổ vỡ, tan nát như chính cuộc đời anh vậy. Anh chấp nhận như định mệnh sắp sẵn.

Tuy nhiên, Thắng không hề biết rằng, ở phía cuối giường bệnh còn có một người con gái nữa đang len lén lau vội những giọt nước mắt ứa tràn trên má. Cô gái đó chính là Nguyễn Thị Dung, hơn Thắng 3 tuổi, là chị gái của Hạnh. Lúc đó Dung là công nhân của Nhà máy Dệt 8-3.

Lúc ra về, Hạnh thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng lương tâm. Còn Dung, không hiểu sao cô lại thấy trách nhiệm của mình là phải vươn vai đỡ lấy cái gánh nặng ngàn cân vốn không phải của mình.

Tối hôm sau, khi tan ca, Dung mua chiếc cặp lồng, đựng đầy thức ăn rồi đạp xe đến Bệnh viện Bạch Mai, lặng lẽ đến bên giường Thắng, nhìn trân trân vào cái đầu trọc lốc, vết khâu nham nhở và khuôn mặt tuấn tú của chàng trai bất hạnh.

Bệnh nhân giường cạnh đã ngủ hết, Thắng thì cứ lọ mọ như đang tìm cái gì đó. Bỗng nhiên Dung thấy Thắng lôi từ dưới gối ra một đoạn dây vải dài đến sải tay, Thắng quấn một vòng quanh cổ rồi dùng đôi tay rắn chắc của mình siết mạnh.

Dung lao đến giữ chặt tay Thắng khóc nức nở. Thắng cũng khóc nức nở. Lần đầu tiên anh khóc nhiều như thế. Anh vùi đầu vào lòng cô gái xa lạ mà khóc ngon lành như đứa trẻ.

Ba năm Thắng nằm viện là 3 năm Dung long đong, lận đận như con thiêu thân. Ngoài lúc làm trong nhà máy, cô đạp xe về Hà Tây mua rau, mua cá đem ra Hà Nội bán để có tiền chữa bệnh, nuôi Thắng.

Nhọc nhằn cuộc sống

Ngày Thắng ra viện, rất nhiều y, bác sĩ đến chia tay và động viên hai người, ai cũng tiếc cho Thắng, thương cho Dung và cảm phục mối tình đặc biệt đó. Họ trở về với dòng sông Hồng, nơi mà cha mẹ, tổ tiên của Thắng đã gắn bó từ nhiều đời nay. Hôm Thắng và Dung cưới nhau, chỉ có mấy người bạn chài quây quần quanh bếp lửa với can rượu và mấy con cá nướng.

Ngay sau ngày cưới, Thắng hì hụi san đất ngoài bãi giữa, nhào bùn với rơm rạ, Dung vào chân đê chặt tre dựng nhà tranh vách đất. Suốt cả năm trời cắm mặt phơi lưng, vợ chồng Thắng cũng trồng được cả ha rau, sắn, ngô, khoai xanh rì. Chỉ cần một vụ cho thu hoạch, vợ chồng anh có thể thoát nghèo.

Thế nhưng, ông trời không thôi hành hạ cặp vợ chồng bất hạnh này. Một ngày, nước sông Hồng đột ngột dâng cao, ngập tràn cả bờ bãi. Những luống ngô, khoai... xanh rì biến mất trong biển đỏ phù sa. Nước dâng cao, cuốn trôi nốt cả căn nhà tranh vách đất, để lại vợ chồng Thắng ôm nhau khóc giữa...

Chị Dung bảo, cuộc đời hai người như định mệnh sắp sẵn, cái tình là duyên số, đời này kiếp này không thể rời xa nhau được, dù có khổ đau, vất vả cũng phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Quyết không chịu thua ông trời, Thắng vào bãi ven đê xã Thanh Trì nhào đất đóng gạch, Dung miệt mài với vườn tược ngoài bãi giữa. Suốt 2 năm trời hì hụi nhào đất, anh cũng nặn được 2 vạn gạch. Một vạn đem bán lấy tiền mua vôi, sắt thép, vạn còn lại chất lên thuyền chở ra bãi giữa xây nhà.

Để chắc ăn, Thắng vác đất, đắp nền cao hơn nền cũ một mét, dù lũ có dâng lên cũng chẳng thể nào cuốn được ngôi nhà có nền, móng chắc chắn đến vậy. Mấy năm trôi qua trong nhọc nhằn gian khó, vợ chồng Thắng cũng có được ngôi nhà như mong muốn. Hạnh phúc biết bao khi trong ngôi nhà đó những đứa con lần lượt ra đời.

Thế nhưng, lại một lần nữa ông trời thử thách cặp vợ chồng bất hạnh này. Những đợt sóng, dòng chảy đã ngoạm hết đất đai, vườn tược, cả ngôi nhà được xây bằng máu và nước mắt cũng bị đổ nhào xuống dòng nước bạc. Thế là anh chị lại trắng tay.

Lúc này, người chán nản, suy sụp không phải là anh mà lại là chị Dung. Chị đau buồn đến phát bệnh thần kinh, nhiều lúc không điều khiển được hành vi của mình. Hơn lúc nào hết, anh Thắng hiểu rằng, giờ đây, chị đang cần đôi vai, và đôi tay dò dẫm của anh. Anh Thắng lại sắm thuyền và lại lần nữa trở về với nghề sông nước.

Hạnh phúc bình dị

Hiện tại, anh chị có 4 đứa con, 3 trai, 1 gái. Bốn đứa con như những giọt nắng ban mai, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chịu khó, thương yêu bố mẹ.

Thằng Chiến, thằng Trường đã học hết lớp 12 và đang là lao động chính nuôi cả gia đình. Thằng Cường đang học lớp 8 ở Trường THCS Thanh Trì. Cường học rất giỏi, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi cấp huyện, lúc thì đưa về cái xe đạp, khi thì cả bạc triệu tiền thưởng cho bố mẹ. Cô út Hồng Nhung có đôi mắt to, ngây thơ rất xinh xắn, học giỏi. Đã 5 năm liền, Nhung luôn đứng nhất, nhì lớp.

Hàng ngày, hai anh em chèo thuyền vào bờ đi học, tan học lại chở nhau xuống thuyền chèo ra với bố mẹ. Hai đứa là niềm hy vọng đổi đời của bố mẹ.

Tuy nhiên, có một điều anh chị lo lắng là nếu cứ sống lênh đênh trên sông thì không biết cuộc đời của các con có thoát được kiếp sông nước?

Dung thấy Thắng lôi từ dưới gối ra một đoạn dây vải dài đến sải tay, Thắng quấn một vòng quanh cổ rồi dùng đôi tay rắn chắc của mình siết mạnh. Dung lao đến giữ chặt tay Thắng khóc nức nở. Thắng cũng khóc nức nở.