Dân Việt

Đề xuất mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mông Cổ

Khương Lực 05/12/2019 18:09 GMT+7
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ mười bảy Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật diễn ra tại Hà Nội, ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Ulaan Chultem đã thống nhất đề xuất với Chính phủ hai nước về việc mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Kỳ họp lần thứ mười bảy Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3-5/12 với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp giữa hai nước.

Tại kỳ họp, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự kiến năm 2019 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,8-7%, lạm phát cả năm vào khoảng 3%. Quy mô toàn nền kinh tế đạt 270 tỷ USD với mức thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 3.000 USD.

Năm nay thương mại xuất khẩu của Việt Nam đạt 525 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ và có mức thặng dư lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 10 tỷ USD.

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Ulaan Chultem ký biên bản hợp tác.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin về những khó khăn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như tình hình khô hạn khi mực nước sông Hồng, sông Cửu Long đang thiếu hụt từ 40-45% so với trung bình hàng năm, gây ảnh hưởng cho sản xuất trong thời gian tới.

Cùng với đó, hai dịch bệnh nguy hiểm là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và sâu keo mùa thu đã gây tác động nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại 327.000 tấn, tương đương 8,8% sản lượng thịt lợn trong khi sâu keo mùa thu phá hoại, ảnh hưởng đến 14 loại cây trồng.

Vượt qua những khó khăn kể trên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy sản xuất nhóm thực phẩm thay thế như phát triển đàn gia súc, gia cầm và hải sản. Nhờ vậy, tăng trưởng ngành duy trì ở mức trên 2% và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay đạt mức kỷ lục trên 41 tỷ USD.

Về phía Mông Cổ, Bộ trưởng Ulaan Chultem đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông tin tăng trưởng GDP của Mông Cổ năm nay đạt 7,2% với quy mô nền kinh tế khoảng 20 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại đạt 9,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đi các nước khác đạt 5,4 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản, thịt chế biến…

Nói về khả năng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, hai bộ trưởng cho rằng tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại song phương còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất đề xuất nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Việt Nam – Mông Cổ, qua đó thúc đẩy hợp tác về thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Cùng với đó, phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Mông Cổ sớm thúc đẩy việc mở tuyến đường biển, tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán hàng hóa nông sản giữa hai nước.

“Khi có cảng biển, tất cả các sản phẩm nông sản thô của hai bên sẽ trao đổi rất thuận lợi, thậm chí với tiềm năng đồng cỏ rộng mênh mông ở thảo nguyên Mông Cổ thì Việt Nam có thể nhập khẩu 5-10 triệu tấn cỏ. Và trong tương lai xa hơn, Việt Nam có thể nhập khẩu phân bón hữu cơ của Mông Cổ qua đường biển” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện phía Mông Cổ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để có thể xuất khẩu khoáng sản, sản phẩm thịt qua chế biến và thịt đông lạnh, lông cừu, dê và thực phẩm chức năng từ xương ngựa Mông Cổ vào thị trường Việt Nam. Phía Mông Cổ sẽ nhập khẩu gạo, bánh kẹo, rau quả, trứng, thịt gia cầm và hải sản từ Việt Nam.

Mặc dù có tiềm năng hợp tác, phát triển lớn nhưng hiện hai bên mới đặt mục tiêu thấp về thương mại, dự kiến năm 2020 kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 100 triệu USD. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 31,5 triệu USD, giảm 53,6% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 18,7 triệu USD, tăng 29,8%, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, gạo, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc; nhập khẩu của Việt Nam đạt 12,8 triệu USD, giảm 76,1%, mặt hàng chủ yếu là đồng thỏi.