Đồng chí Thào Xuân Sùng làm việc, trao đổi với lãnh đạo địa phương về hướng phát triển cây cam đặc sản ở huyện Bắc Quang ngày 5/12.
Cứu cây đặc sản
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Đàm Thuyên - Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Quang, (Hà Giang) cho biết, hiện Bắc Quang có diện tích cao nói chung và cam sành nói riêng lớn nhất của tỉnh Hà Giang (chiếm trên 66% tổng diện tích cây cam toàn tỉnh).
Những năm qua, tỉnh và huyện Bắc Quang đã đầu tư nhiều nguồn lực vào phát triển loại cây đặc sản này, trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi; hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp đang ngày càng được hoàn thiện và mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân trồng cam.
Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các viện, trung tâm chuyên môn của Trung ương, huyện, tỉnh tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật về quy trình sản xuất cam theo quy chuẩn VietGAP cho người dân. Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, địa phương cũng đã xây dựng thành công thương hiệu cam sành Bắc Quang và hiện sản phẩm cam sành đã có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý...Nhờ thế mà chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, nâng suất ổn định, nâng cao được uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Theo ông Thuyên, đến nay tổng diện tích trồng cam, quýt toàn huyện đạt khoảng hơn 6.000ha, năng suất niên vụ 2019-2020 ước đạt 12 tấn/ha, sản lượng cam đạt 45.816 tấn. "Dù có nhiều thuận lợi nhưng nghề trồng cam ở Bắc Quang vẫn còn nhiều hạn chế như việc canh tác của người dân địa phương một số nơi còn lạc hậu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn dẫn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn kém dẫn đến đầu ra bấp bênh. Trong thời gian tới rất mong Trung ương Hội ND Việt Nam tiếp tục hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại...
Đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm để Bắc Quang có thể nhân rộng hơn nữa các mô hình giúp phát triển loại cây này ngày càng bền vững, dân có thu nhập cao hơn", ông Thuyên kiến nghị.
Bà Lý Thị Điệp, HTX sản xuất cam VietGAP ở xã Vĩnh Hảo là một trong những điển hình ở huyện Bắc Quang. "Hiện gia đình tôi đang canh tác trên 8ha cam, quýt VietGAP, doanh thu hàng năm đạt hàng tỷ đồng" bà Điệp chia sẻ.
Là nơi có thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với việc phát triển cây có múi, đặc biệt là cây cam, tuy nhiên theo người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam, hiện chính quyền và người dân ở Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chưa thực sự phát huy và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc sản xuất cây đặc sản này khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của bà con chưa ổn định, bấp bênh.
Ngày 5/12, khi đi thăm mô hình sản xuất cam VietGAP tại huyện Bắc Quang (Hà Giang), đồng chí Thào Xuân Sùng tỏ ra rất lo ngại trước việc canh tác, chăm sóc cây cam đặc sản của bà con ở đây.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, dù huyện Bắc Quang đã phát triển được hơn 6.000ha cam, quýt, trong số đó có nhiều diện tích cam VietGAP, song khi thực tế tại các vườn cam, tôi thấy rất thất vọng và lo ngại trước việc chăm sóc cam của người dân ở đây.
"Nếu còn tiếp tục giữ kiểu trồng, khai thác quá mức các cây cam non như hiện nay thì người dân ở đây và sản phẩm này sẽ gặp nguy hiểm. Để tránh thiệt hại, chính quyền và bà con ở đây phải thay đổi tư duy sản xuất ngay và luôn thì mới cứu vãn được cây đặc sản này", đồng chí Thào Xuân Sùng nói.
Cùng ngay, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng đi thăm mô hình sản xuất cam VietGAP tại huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Giải thích thêm về vấn đề nay, ông Nguyễn Hồng Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho rằng, trong thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ rất nhiều cho người trồng cam, từ tập huấn kỹ thuật, tiếp vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng đến nay nhiều nơi chưa đạt được kỳ vọng.
"Chúng tôi đã hỗ trợ hết mình cho bà con nhưng không biết vì sao bà con vẫn yếu trong khâu canh tác, kỹ thuật chăm sóc cam. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại cho hợp lý hơn", ông Tuyên khẳng định.
Gợi ý hướng phát triển cho cây cam ở Hà Giang, đồng chí Thào Xuân Sùng cho hay: Trước mắt, tỉnh Hà Giang phải nhanh chóng xây dựng Nghị quyết chuyên đề về trồng và tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương mình. "Hiện nay chúng ta chưa có một Nghị quyết chuyên đề về loại cây trong điểm của mình là một thiếu sót rất lớn. Vì thế sắp tới Hà Giang phải làm được điều đó. Đồng thời chính quyền ở đây phải có những chính sách hỗ trợ vật tư đầu vào và tạo một hành lang pháp lý thật tốt để tiếp sức cho người dân và các doanh nghiệp trong việc phát triển cây cam, cũng như việc xúc tiến thương mại, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm", người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.
Cùng với đó theo đồng chí Thào Xuân Sùng, tỉnh Hà Giang và huyện Bắc Quang cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển vùng trồng cam tại các xã, huyện trên địa bàn."Muốn làm được điều này, địa phương phải xây dựng được quy trình chuẩn về trồng và chăm sóc cây cam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tính đến phương án định hướng và hỗ trợ cho bà con trồng xen cây khác, có thể chọn cây gừng (loại gừng giống xuất khẩu, chất lượng tốt) với cam, quýt trong giai đoạn loại cây này nghỉ cho quả hoặc trong lúc chờ cây cam mới trồng lớn để tăng thêm thu nhập cho bà con", đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý.
Để người dân sản xuất cam hiểu quả, bền vững hơn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang cần sớm tính đến phương án thành lập Chị hội nông dân tại các thôn. Chi hội này sẽ hoạt động theo mô hình 3 trong 1, gồm cả hợp tác xã, công ty, chi hội nông dân. Trong đó, chi hội trưởng là đảng viên vừa là giám đốc công ty.
"Đây là mô hình đã được thực hiện rất thành công, hiệu quả tại 700 thôn trong cả nước. Mô hình này sẽ giúp cho người dân liên kết làm ăn với nhau chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, các công ty trong chi hội tại các thôn này có thể tự lực ký kết với các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước để phối hợp liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm bền vững và ổn định", đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Chia sẻ với người dân, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị người dân trồng cam ở Bắc Quang, tỉnh Hà Giang nói riêng và bà con cả nước nói chung cần có quy trình chuẩn trong việc trồng, chăm sóc để loại cây đặc sản này phát triển bền vững và cho chất lượng quả tốt hơn.
"Đặc biệt là trong việc khai thác cam, bà con cũng phải thu hoạch đúng theo quy trình chuẩn. Ví như từ khi trồng đến khi cây cam cho thu quả (tùy vùng đất) khoảng 4-5 năm, người dân mới nên để thử nghiệm quả bói vừa phải, và tăng lượng quả trong các năm tiếp. Bên cạnh đó, người trồng cũng phải bón phân hữu cơ, phun thuốc sinh học (theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn) và có biện pháp canh tác, cắt tỉa lá, cành để cam quang học tốt thì khi hái các quả cam mới ngon, đạt chất lượng tốt mới dễ tiêu thụ và sớm "cất cánh" hội nhập được", đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.