Dân Việt

Bình Định: Cúc Tết bất ngờ đổ bệnh, chết yểu, dân “méo mặt”

Dũ Tuấn 08/12/2019 14:40 GMT+7
Nhiều nhà vườn ở làng Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đang lâm cảnh lao đao, nguy cơ trắng tay khi cúc Tết đổ bệnh hàng loạt, còi cọc chết yểu.

Theo nhà vườn Phan Đình Muộn (65 tuổi, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa), gia đình ông trồng gần 1.000 chậu hoa cúc bán thị trường Tết, thế nhưng do ảnh hưởng của bão số 5, hàng trăm chậu cúc bất ngờ đổ bệnh đốm lá dẫn đến còi cọc, rũ ngọn chết.

“Nếu không bị thiệt hại, mỗi chậu cúc có giá 350.000 – 400.000 đồng, nhưng năm nay các chậu cúc của tôi sẽ rớt xuống còn một nửa giá. Hiện, tôi có 600 chậu cúc loại 1 bị thiệt hại nặng, giờ chỉ còn nước giữ lại đợi sát Tết nhổ lên đem đi bán sỉ ở các chợ trời, bòn công thôi”, ông Muộn buồn bã.

img

Nhà vườn ở làng hoa Bình Lâm tất bật cho vụ hoa Tết.

Cũng theo ông Muộn, khu vực gần nhà ông có gần 200 hộ trồng hoa cúc nhưng có đến 70% bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, sâu bệnh. Số còn lại bị thiệt hại khoảng 20% - 50%, đa số các hộ đang sử dụng thuốc trừ sâu để hạn chế mầm bệnh để cứu hoa.

Làng Bình Lâm được xem là một trong những làng nghề trồng hoa cúc cảnh truyền thống có “tiếng tăm” của tỉnh Bình Định. Những năm thuận lợi, các hộ dân trồng hoa cúc ở Bình Lâm có thể thu đến 7 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, năm nay hoa cúc bị ảnh hưởng từ mưa bão đồng loạt đổ bệnh, khiến cả làng hoa này đứng trước nguy cơ mất vụ Tết.

img

Nhiều gốc cúc đổ bệnh, còi cọc chết yểu khiến nhà vườn lao đao.

Gia đình ông Trần Minh Sang (53 tuổi) có 300 chậu cúc đang bị hư hại do mưa bão, bệnh đốm lá, cúc không xòe nổi lá, thiệt hại trên 70%. Trước nguy cơ trắng tay, chủ vườn này đang chuyển hướng, trồng thêm các loại hoa ngắn ngày để kịp vụ Tết.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), làng nghề trồng hoa cúc Bình Lâm có trên 300 hộ, hàng năm người dân trồng dao động từ 90.000 – 100.000 chậu hoa cúc để cung ứng thị trường Tết. Mỗi năm, cứ đến vụ Tết làng hoa này thu về từ 6 đến 7 tỷ đồng.

img

Phân loại, chăm sóc chậu cúc không nhiễm bệnh để kịp nở hoa đón Tết.

“Tuy nhiên, năm nay do nhiều nguyên nhân khiến làng hoa đứng trước nguy cơ thất thu như mưa bão, giống, bệnh tật. Sắp tới, địa phương sẽ quy hoạch làng hoa này vào khuôn khổ, phát triển theo quy trình khép kín. Chúng tôi định hướng sẽ phát triển làng nghề đa dạng hơn để giúp người dân tăng năng suất, giảm thiểu các rủi ro”, ông Vương cho hay.