Dân Việt

Gắn kết nông dân với phát triển đàn bò

28/02/2012 07:47 GMT+7
(Dân Việt) - Trong cái khó chung của ngành sữa và các công ty sữa về mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì (IDP) đã chọn cho mình hướng đi riêng là “lấy nông dân làm gốc”, gắn chăn nuôi với tiêu thụ.

Mô hình này đang phát huy hiệu quả và được đông đảo người dân hưởng ứng.

Lấy nông dân làm gốc

Về thăm Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì (ở Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng Hai, trên đường vào công ty tôi nhiều lần phải tạt vào vệ đường để nhường cho các đoàn xe chở sữa tươi và sữa thành phẩm liên tục ra vào. Không khí làm việc ở đây rất tấp nập, khẩn trương. Tôi không ngạc nhiên về điều này. Phóng mắt nhìn xung quanh khuôn viên, nhưng tôi chẳng tìm thấy một con bò nào, ngoại trừ “con bò” đắp bằng thạch cao có khoang đen trắng đứng ở khuôn viên. Công ty không nuôi bò thì lấy sữa ở đâu để sản xuất nhỉ?

img
Anh Lê Đinh Năm, hộ dân thu lãi 40 triệu đồng/tháng từ chăn nuôi bò sữa.

Đem thắc mắc này giãi bày với bà Nguyễn Thị Bảy – Phó Giám đốc Nhà máy sữa Ba Vì, bà Bảy cười hiền, trầm tĩnh rót nước mời khách rồi bảo: “Việc dễ mấy không dân cũng khó… Chúng tôi xác định “lấy dân làm gốc”, công ty không trực tiếp nuôi bò như các công ty khác, mà chủ yếu phối hợp với người dân để chăn nuôi. Người dân vừa có công ăn việc làm, tăng thu nhập, mà công ty lại có được vùng nguyên liệu ổn định, rộng lớn. Chỉ cần mỗi hộ (trong vùng nguyên liệu) nuôi 5 – 10 con bò, thì lượng sữa đã bằng cả chục trang trại, thì chắc chắn nguồn nguyên liệu sẽ không thiếu”.

Bà Bảy cho hay, IDP được thành lập năm 2006, gồm một nhà máy ở Chương Mỹ và một ở Ba Vì, chủ yếu sản xuất sữa tươi thanh trùng và tiệt trùng công suất khoảng 60 tấn sữa tươi/ngày. Nhà máy ra đời vào đúng giai đoạn khó khăn nhất của ngành sữa Việt Nam.

Năm 2004, tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chính sách phát triển đàn bò sữa chủ yếu trên địa bàn huyện Ba Vì và Chương Mỹ. Mặc dù khuyến khích người dân nuôi, nhưng lại chưa tính đến khâu đầu ra. Khoảng những năm 2005 – 2006, sữa rẻ như… nước lã, nhiều hộ không buồn bán, sữa đổ trắng mương. Và Công ty IDP được thành lập, để mong “cứu” lấy đàn bò, “cứu” lấy những người “yêu bò” đang “sống dở, chết dở”… vì bò.

Vừa được thành lập IDP đã nhận mua toàn bộ số sữa của người dân với giá ưu đãi. Guồng máy đang đi vào ổn định, thì cuối năm 2008 ngành sữa gặp trận “bão melamine”.

“IDP là công ty đầu tiên “được” Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra. Rất may sữa của chúng tôi an toàn. Thời điểm đó nhiều công ty đã từ chối mua sữa, IDP xác định không thể để người dân đổ sữa. Ngày 28 Tết năm 2008, ông Nguyễn Tuấn Khải – Tổng Giám đốc IDP đã phải “cắm” căn nhà ở Đại Cồ Việt để lấy tiền mua sữa cho bà con. Năm 2010, nhà máy sữa ở Ba Vì được xây dựng và đi vào hoạt động đã tạo niềm tin cho người dân, và để thu mua triệt để nguồn sữa vùng này. Và điều này chứng tỏ IDP “đang ăn nên, làm ra”.

Nhiều chính sách ưu đãi

Bà Bảy cho hay, hiện Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì đang phát triển đàn bò sữa vùng nguyên liệu ở 7 tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, với hơn 4.000 hộ chăn nuôi, tổng đàn bò khoảng 16.000 con. Đây là những vùng nguyên liệu tiềm năng, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển đàn bò, với chất lượng sữa tốt. Đàn bò sữa của IDP liên tục tăng lên theo các năm, năm 2011 tăng 400 con, sản lượng sữa tăng 25% so với năm 2010.

img
Anh Chu Đức Dũng vệ sinh cho đàn bò trước khi vắt sữa.

Để có được kết quả này, IDP đã có sự phối hợp chắc chắn, bài bản giữa công ty với chính quyền địa phương và người dân. “Hiện chúng tôi đang có nguồn quỹ để phát triển đàn bò là 50 tỷ đồng, mỗi con bò được hỗ trợ 20 triệu đồng với lãi suất 0%, thời gian cho vay từ 15 – 18 tháng và được trừ dần vào sữa. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ các dụng cụ vắt sữa như xô, thùng inox, máy vắt sữa, quần áo bảo hộ lao động… cho các hộ dân, 100% lượng sữa đều được công ty thu mua hết, với giá ưu đãi. Mặc dù chăn nuôi bò sữa rất lãi, không vất vả lắm, nhưng lúc nào cũng bận như nuôi con mọn. Nghề này không dành cho người lười biếng được” – bà Bảy cho hay.

Ba Vì là một trong những vùng nguyên liệu trọng điểm của Công ty IDP, hiện có 4.200 con bò, tăng 700 con, sản lượng sữa đạt 11.517 tấn/năm, tăng 18% so với năm 2010. Ngoài những xã trọng điểm như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì và công ty đang có kế hoạch phát triển ra các xã ven sông Lô, sông Hồng và vùng đồi gò.

Anh Lê Đinh Năm (thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa, Ba Vì) một trong những hộ phất lên từ nuôi bò sữa, hiện anh có 11 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho sữa, trung bình 140 lít/ngày, khoảng hơn 4 tấn sữa/tháng, giá sữa khoảng 12.500 đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng/tháng phấn khởi nói: “Trước kia tôi chuyên chạy xe công nông, máy cày để chở vật liệu, cày thuê cho bà con, công việc vất vả, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

Thấy bà con chăn nuôi bò sữa vừa nhàn, có thu nhập cao, lại được công ty hỗ trợ vốn, đầu năm 2009 được công ty hỗ trợ 60 triệu đồng, tôi đã mua 3 con bò về nuôi. Thấy tôi nuôi hiệu quả, chất lượng sữa tốt, công ty tiếp tục cho vay 40 triệu đồng để mua 2 con bò nữa.

Hiện Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì đang phát triển đàn bò sữa vùng nguyên liệu ở 7 tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, với hơn 4.000 hộ chăn nuôi, tổng đàn bò khoảng 16.000 con.

Cuối năm 2010 tôi đã có 7 con bò, đa số đều cho 25 – 32 lít/con, nên chỉ sau một năm tôi đã trả hết nợ. Xác định đây là nghề chính, thu nhập chính của gia đình, được công ty hỗ trợ thêm 140 triệu đồng tôi quyết định mua thêm 5 con nữa. Cứ đà này, chỉ 4 tháng sau tôi có thể trả hết nợ”.

Là người nuôi bò từ năm 2004, anh Chu Đức Dũng thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cũng đã trải qua những thăng trầm cùng con bò sữa. Nhưng nay, anh hoàn toàn tự tin để phát triển đàn bò, vì đã có Công ty IDP hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra.

Anh Dũng kể: “Tôi bắt đầu nuôi bò sữa đúng lúc bà con xã Cổ Đô (xã trước kia nuôi bò nhiều nhất ở Ba Vì) đang nháo nhác bán bò, do giá sữa rớt chỉ còn 2.000 đồng/kg. Một ông chăn nuôi có tiếng ở đây bảo: “Mày bị hâm à, tao đang bán thịt mày lại mua về nuôi. Cũng may được Công ty IDP hỗ trợ giá sữa, hộ trợ vốn chứ không thì căng thật. Hiện tôi có 9 con bò, 5 con đang cho sữa trung bình khoảng 120kg/ngày, trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng/tháng”.