Dân Việt

Di chỉ Vườn Chuối bị xâm hại: Khó quản lý vì thuộc... Vietracimex?

Thành An 09/12/2019 13:58 GMT+7
Trong văn bản trả lời Báo Dân Việt, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, hiện khu vực di chỉ Vườn Chuối thuộc thẩm quyền quản lý và sử dụng của Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt Nam - Vietracimex, vì vậy công tác quản lý của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Địa phương “than” khó

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Anh vừa ký văn bản gửi Văn phòng Thành ủy Hà Nội trả lời thông tin báo Dân Việt phản ánh về “di chỉ khảo cổ học vườn chuối”. Trước đó, báo Dân Việt có nhiều bài viết liên quan đến việc Di chỉ Vườn Chuối đang có dấu hiệu bị "xẻ thịt". Trong đó có bài viết "Di chỉ 3.500 năm “độc nhất vô nhị” của Hà Nội bị xâm phạm thế nào?" được nêu trong văn bản trả lời của UBND huyện Hoài Đức.

Theo văn bản trả lời của UBND huyện Hoài Đức cho biết, hiện địa phương đang có những khó khăn trong công tác quản lý.

Cụ thể, theo các nhà khoa học, khu vực Vườn Chuối đã được phát hiện, khai quật từ lâu, nhưng trước đợt khai quật, thăm dò thực hiện theo Quyết định số 1470 ngày 23/4/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thì những văn bản triển khai cũng như báo cáo kết quả, kết luận về khu vực Vườn Chuối của các đơn vị thực hiện khai quật, phát hiện “không được gửi cho UBND huyện Hoài Đức do đó không có căn cứ cho UBND huyện Hoài Đức cũng như UBND xã Kim Chung trong việc quản lý cũng như xác định diện tích khu di chỉ Vườn Chuối cụ thể là bao nhiêu”.

Clip: Di chỉ Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, khu vực Vườn Chuối nằm trên diện tích đất của 2 xã Di Trạch và Kim Chung (huyện Hoài Đức). “Theo Quyết định thu hồi của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thì diện tích đang xây dựng KĐT Kim Chung – Di Trạch không thuộc thẩm quyền quản lý và sử dụng của UBND huyện Hoài Đức mà thuộc quản lý của Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt Nam - Vietracimex, vì vậy công tác quản lý của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn”.

Văn bản trả lời của UBND huyện Hoài Đức cũng cho biết, khu khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung có diện tích khoảng 1,9 ha là tên gọi của cụm các gò: Gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Đình Lỗi, gò Cây Muỗng, gò Chiền Vậy.

Trước năm 2007, khu Vườn Chuối là các khu gò trên các khu ruộng cao trồng màu, cây cối rậm rạp nằm xen kẽ các khu nghĩa trang nhân dân thôn Lai Xã. Hiện nay qua thời gian đã có sự thay đổi.

Năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 28/2/2008 cho phép Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) mới Kim Chung Di Trạch và có Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 8/5/2008 thu hồi 1.381.670,1m2 trên địa bàn xã Kim Chung và Di Trạch, huyện Hoài Đức giao Vietracimex thực hiện dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch.  

“Theo đó, khu Vườn Chuối nằm hoàn toàn trong dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, cho đến nay dự án đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, văn bản nêu rõ.

Theo đồ án quy hoạch điều chỉnh KĐT mới Kim Chung – Di Trạch tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5723/QĐ-UBND ngày 24/10/2018, khu vực phía Đông gò Vườn Chuối có quy hoạch chức năng cây xanh và công cộng đô thị khoảng 6.000m2, phần còn lại là đường giao thông khung; khu gò Dền Rắn và Mỏ Phượng có chức năng là đường giao thông và đất ở thương mại.

Về công tác phối hợp quản lý, UBND huyện Hoài Đức cho biết, ngày 23/4/2019, Bộ VHTTDL có Quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại 3 khu vực: Gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn.

Trước đó, tại Công văn số 6176/QHKT-P1 ngày 10/10/2018 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội về việc vị trí, phạm vi dự kiến thăm dò, khai quật Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thì 3 khu vực Sở VHTTDL Hà Nội dự kiến sẽ thăm dò, khai quật, ngoài phần đất nằm trong phạm vi mở đường giao thông đô thị (Vành đai 3,5 và Quốc lộ 32) phần còn lại chủ yếu nằm trong phần đất cây xanh đô thị theo đồ án Quy hoạch chi tiết KĐT mới Kim Chung – Di Trạch.

img

Mộ táng thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở hố H2 di chỉ vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, năm 2019.

Sau khi nhận được quyết định về việc thăm dò, khai quật của Bộ VHTTDL, UBND huyện Hoài Đức đã phân công các phòng ban chuyên môn phối hợp tích cực trong quá trình Ban quản lý (BQL) di tích và danh thắng Hà Nội, Viện Khảo cổ học thực hiện thăm dò, khai quật cũng như công tác bảo vệ sau khai quật.

Đặc biệt chỉ đạo Chủ đầu tư dự án đường 3,5 tổ chức theo dõi, phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại các khu vực liên quan đến khu vực Vườn Chuối cũng như các khu vực thi công khác. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật thì chủ dự án phải tạm dừng thi công và thông báo kịp thời cho phòng Văn hóa và Thông tin huyện hoặc Ban quản lý di tích và danh thắng thành phố.

Đề nghị TP sớm có phương án bảo tồn

Văn bản cũng cho rằng, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Hoài Đức rất quan tâm và đã chỉ đạo các phòng ban liên quan của huyện, UBND xã Kim Chung tổ chức tốt việc quản lý, bảo vệ khu vực Vườn Chuối.

Ngày 22/10/2019, BQL di tích và danh thắng TP phối hợp với Viện khảo cổ học tổ chức hội thảo Báo cáo kết quả thăm dò, khai quật di chỉ Vườn Chuối. Dựa trên kết quả công bố với những giá trị thu được sau quá trình thăm dò, khai quật của khu vực Vườn Chuối, để đảm bảo hài hòa gữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, UBND huyện Hoài Đức nhất trí với phương án 3 trong báo cáo sơ bộ. 

Đó là, bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di chỉ theo quy định của pháp luật về si sản văn hóa; Tiến hành khai quật nghiên cứu di dời 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vường Chuối. Sau khi kết thúc nghiên cứu, giải phòng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 của TP Hà Nội.

“Đề nghị TP sớm quyết định phương án bảo tồn, bảo vệ di chỉ Vườn Chuối, chỉ đạo các cơ quan liên quan xác định rõ mốc giới, khoanh vùng bảo vệ si chỉ; đưa di chỉ Vườn Chuối vào danh mục kiểm kê của TP. Từ đó làm cơ sở để huyện xây dựng hồ sơ xếp hạng theo đùng quy định của luật Di sản văn hóa”, văn bản UBND TP nêu rõ.

Tăng cường tuần tra bảo vệ di chỉ

Tong văn bản trả lời của UBND huyện Hoài Đức cho hay, về việc thực hiện dự án đường vành đai 3,5: Tháng 10/2017 được sự chấp thuận của UBND TP, dự án đường vành đại 3,5 nối từ đường 32 đến Đại lộ Thăng Long đã được khởi công do BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Trục đường này theo sơ đồ thăm dò khai quật của BQL di tích và danh thắng TP và Viện khảo cổ học triển khai có chạy cắt qua một phần của khu vực Vườn Chuối. 

Sau khi nhận được thông tin, phòng VHTT, BQL Dự án Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức đã có buổi làm việc với BQL di tích và danh thắng TP, Viện khảo cổ học để xác định cụ thể phần diện tích phục vụ thăm dò, khai quật; dừng mọi hoạt động thi công liên quan, bàn giao mặt bằng sạch để Viện khảo cổ học thực hiện công tác thăm dò, khai quật như Quyết định của Bộ VHTTDL.

Đồng thời, phòng VHTT huyện, BQL Đầu tư xây dựng huyện tiếp tục phối hợp với TP trong việc tổ chức theo dõi, phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công sau khi Viện khảo cổ học đã hoàn thành quá trình thăm dò, khai quật. 

Đến ngày 11/11/2019, UBND huyện Hoài Đức ban hành công văn bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng của địa phương chủ động trong công tác triển khai, phối hợp, phát hiện di vật, cổ vật trong quá trình thi công, kịp thời thông báo các cơ quan liên quan; có phương án tăng cường tuần tra bảo vệ tại khu Vườn Chuối và các khu vực xung quanh.