Doanh nghiệp phải thay đổi, tạo trang cá nhân trên kênh số hoá
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch TAB
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn tư nhân Việt Nam (VIEF), chiều 9/12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị chuyên đề 2 của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 – 2019 bàn về “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), điều phối Hội nghị cho biết, hiện nay, việc sử dụng các website trực tuyến, ứng dụng thông minh (app) trên điện thoại để đặt dịch vụ và xây dựng hành trình du lịch ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi sự tiện ích, tiết kiệm thời gian…Tuy nhiên, khách du lịch vẫn gặp khó khăn khi đặt dịch vụ, đôi khi sản phẩm thực tế so với thông tin được quảng cáo trên mạng chưa tương xứng, du khách không được tư vấn trực tiếp, cụ thể…vì vậy mà Hội nghị lần này muốn thảo luận để tìm giải pháp cho bài toán số hoá của ngành du lịch, cải thiện các khâu xin các giấy phép du lịch, đặt dịch vụ trong hành trình…
Cũng tại Hội nghị, bà Emily Nguyen – Giám đốc kinh doanh Google tại Việt Nam đã đọc tham luận đề dẫn của mình. Theo bà Emily Nguyen, sau hai năm nghiên cứu cách thức tra cứu của khách hàng, bà đã rút ra được 3 vấn đề chính là: Yêu cầu của khách ngày càng phức tạp; Khách đòi hỏi có nhiều lựa chọn và cuối cùng là khách muốn có nhiều thông tin và đòi hỏi cao khi lựa chọn các tour, điểm đến.
Với nghiên cứu của mình, vị đại diện Google tại Việt Nam còn chỉ ra cụ thể khách hàng là người Ấn Độ có sự tìm hiểu, tra cứu trên Google trước khi đặt tour vào khoảng hai tháng. Còn người Úc thì nghiên cứu từ 4-6 tháng mới đưa ra quyết định. Riêng người Nhật Bản thì chỉ tin tưởng với những người làm tour người Nhật Bản, bởi chỉ có người Nhật mới hiểu người Nhật muốn gì và thích làm gì.
Sau những phân tích và đưa ra những số liệu, nghiên cứu các khách hàng, đại diện Google đã đưa ra 3 lời khuyên quan trọng cho doanh nghiệp: Nên bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu của khách hàng, sử dụng thông tin để cung cấp các dịch vụ; giúp du khách có những trải nghiệm tốt bằng cách hạn chế tối đa cản trở khi lên kế hoạch du lịch.
Kết thúc trong phần điều phối Hội nghị chuyên đề “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách”, ông Trần Trọng Kiên cho hay, nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Đặc biệt, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách, thay đổi cách tiếp cận.
Theo ông Trần Trọng Kiên, những điều cần rút ra tại hội nghị “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách” có 3 vấn đề chính: Thứ nhất tập trung giải quyết các bài toán số hóa của ngành du lịch; Thứ hai là giải pháp thiết kế bản đồ hành trình trải nghiệm của du khách; Thứ ba là cải thiện trải nghiệm du khách trong các khâu xin các giấy phép du lịch, đặt dịch vụ trong hành trình, nhất là vấn đề về visa.
Như vậy có thể hiểu du lịch số hoá trên trang mạng đang bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi. Các doanh nghiệp nếu muốn bán sản phẩm, thu hút khách du lịch cần phải đẩy mạnh việc quảng bá, tạo thương hiệu. Các doanh nghiệp sẽ phải bắt kịp công nghệ, tạo cho mình những trang cá nhân trên các kênh số hoá. Mỗi trang cá nhân hoá sẽ tự giới thiệu về sản phẩm của mình và đưa ra nhiều thông tin, lựa chọn để khách hàng có thể tìm hiểu và lựa chọn. Ngoài ra luật xuất nhập cảnh mới sắp được áp dụng, điều này sẽ ít nhiều tạo đi lại dễ dàng cho các du khách khi đến Việt Nam và thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu
Bên cạnh những thảo luận đưa ra các vấn đề doanh nghiệp tạo kênh số hoá thì nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề thị thực, xin cấp visa cho du khách còn gặp nhiều khó khăn và cản trở. Trả lời về vấn đề này, ông Trần Trọng Kiên đã cho biết: “Chính sách thị thực là chính sách quan trọng nhất cũng là điều quan trọng cho sự lựa chọn của khách khi muốn đến điểm đến là Việt Nam. Hiện tại có hai vấn đề liên quan tới thị thực rất cấp bách, đó là các quốc gia bao gồm Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ hết hạn miễn thị thực vào ngày 31/12/2019.
Thời điểm hiện tại, đại diện Cục Xuất nhập cảnh đã kiến nghị với Chính phủ sẽ sớm gia hạn trong vòng 3 năm và sớm có thông báo chính thức của Chính phủ. Thứ hai, đại diện Cục Xuất nhập cảnh cũng thông báo sẽ sớm hoàn thiện cấp visa online, khi đã có hơn 80 quốc gia thành công trong việc cấp visa online. Cục Xuất nhập cảnh thông báo Luật Xuất nhập cảnh được thông qua ngày 5/11/2019 và sẽ có hiệu lực ngày 1/7/2020 với nhiều dấu hiệu tốt cho du khách, ví dụ việc miễn thị thực không phải 30 ngày, hay một số quy định cấp thị thực sẽ dễ dàng hơn”.
Cũng nói về vấn đề thị thực, ông Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB nhận định, tuy đứng đầu Đông Nam Á, số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 70%. Để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, theo ông, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...
Đại diện TAB đánh giá cao Luật Xuất nhập cảnh mới sẽ áp dụng từ 1/7/2020 của Việt Nam, theo đó khách du lịch có thể quay trở lại trong vòng 30 ngày. Đồng thời ông nhấn mạnh, chính quyền phải có cân nhắc, đẩy nhanh tốc độ, triển khai sớm các điều luật để mang lại lợi ích lớn cho ngành du lịch có thể kể đến như chính sách visa cho người đến làm việc, và tăng mức lên 10 năm.
Để mang lại lợi ích lớn cho du lịch, các bên liên quan đều phải chung tay để thay đổi và cải thiện. Khi miễn visa cho Anh và các nước châu Âu vào năm 2016, lượng du khách đã tăng thêm 19%, tổng chi tiêu 150 triệu USD. Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách.