Theo GS Võ Tòng Xuân, tất cả các câu hỏi của nông dân khắp nước gửi về Thủ tướng đều là những vấn đề muốn nhà nước làm cho nông dân, hiếm có ý kiến nông dân tự đề xuất tầng lớp nông dân ngày nay phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Tôi xin đề nghị Thủ Tướng yêu cầu lại nông dân cũng phải đổi mới tư duy với Đảng và Nhà Nước.
GS Võ Tòng Xuân.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, viễn cảnh của một tương lai xán lạn của nền nông nghiệp mới của Việt Nam đang bày ra trước mắt chúng ta với những doanh nhân năng động gặp gỡ những nhà lãnh đạo năng động của các tỉnh cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết 120.
Các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương một mặt cần tiếp cận thông tin thị trường thế giới để phổ biến rộng rãi trong nước, mặt khác tìm ra những doanh nhân có tâm, có tài nắm bắt thông tin thị trường hoặc xông xáo đi tìm, mở thị trường ở nước ngoài, để tổ chức đầu tư chế biến sản xuất những sản phẩm từ nông sản nguyên liệu địa phương có thể đáp ứng với nhu cầu khách hàng quốc tế hay trong nước.
Tất cả những cố gắng của ngành chức năng Trung ương và địa phương, các nhà doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới của người nông dân. Hiện nay, phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình (nhất là nông dân trồng lúa) nên phần lớn bà con nông dân còn nghèo hoặc rất nghèo.
Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ, thiển cận. Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thữa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại.
Quang cảnh hội nghị
Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay.
Trước đây chúng ta “đổ thừa” cho nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa nhưng bây giờ nhà nước đã đổi mới tư duy cho chánh quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong NQ120.
Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (HTXNNKM). Từ đó, tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và nhà nước, những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất mà đất của mọi người trong HTXNNKM sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.
Như vậy, mỗi nông dân xã viên của HTXNNKM đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp. Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng gì nữa trong quá trình nuôi trồng của mình và cũng không lo bị thương lái ép giá.
Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình.