Mấy năm gần đây, thú chơi hoa hồng cổ rộ lên nhưng giá bán rất đắt, để có được một gốc hồng cổ người chơi phải bỏ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện hoặc “chịu chi” để mua chúng về trưng Tết.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, một số nhà vườn trồng hồng đã sáng tạo ra cách làm cây hồng giả cổ để bán vào dịp lễ này. Họ sử dụng xi măng, thạch cao và rêu để đắp lên gốc của cây, sao cho có độ đẹp, cổ kính... như một cây hồng cổ thật và bán với giá rẻ hơn. Theo đó, mỗi cây hồng giả cổ sẽ được bán với giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
Là người làm hồng giả cổ 2 năm nay, anh Minh Tuấn ở Thái Nguyên cho biết loại hồng đắp gốc giả cổ này bán rất chạy vì mới lạ và độc đáo, anh không phải lo đầu ra.
Khi mới làm, anh gặp phải không ít những khó khăn. Đó là làm cách nào để cây vẫn sống và phát triển được bình thường như những cây hoa hồng khác khi bị đắp lên gốc nhiều xi măng như vậy. Anh đã phải thử rất nhiều cách khác nhau để làm được độ rỗng giữa xi măng và gốc cây để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Chưa kể đến việc tạo màu và vỏ thân cây giống cây hồng cổ thật cũng là điều khá khó khăn...
Sau thời gian thử nghiệm, anh đã làm thành công và bán ra thị trường được 2 năm nay. Hiện tại, anh khắc phục được mọi khó khăn, thời gian làm cũng nhanh hơn rất nhiều.
Sau khi đắp xi măng vào gốc, cây hồng có giá cao lên đến cả triệu đồng/chậu.
Theo anh, cây hồng đắp gốc giả cổ làm khá mất thời gian nếu chưa nắm được kỹ thuật. Anh đã có kinh nghiệm thì một ngày có thể làm được từ 3-10 cây, tùy thuộc vào cây to – nhỏ.
“Hồng giả cổ có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 300.000 – 1 triệu đồng/chậu (tính giá sỉ). Với những cây giá thấp, gốc của chúng nhỏ hơn, còn những cây giá cao sẽ có gốc to và đẹp, dáng thế cũng lớn”, anh nói.
Dù chưa phải Tết, anh đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của khách. Năm nay, anh dự định sẽ làm hơn 1nghìn chậu hồng giả cổ bán ra thị trường để phục vụ khách chơi Tết. Như năm ngoái, anh mới làm nên số lượng còn ít, không đủ hàng để bán.
Không chỉ anh Tuấn, một số người bán khác cũng cho biết loại hồng này rất hút khách vì nhìn như cây đã nhiều năm tuổi lại rất sai hoa, giá cả lại hợp túi tiền của nhiều đối tượng khách hàng. Và để mua được hồng giả cổ, khách hàng đều phải đặt trước vì số lượng nhập về không nhiều.
Bên cạnh những người thích hồng giả cổ, một số người khác lại cho rằng chơi cây hồng này khá phí tiền. “Vì gốc cây đắp xi măng kín mít như thế, cây sống không được bao lâu sẽ chết. Thà bỏ ra vài triệu mua cây hồng cổ thật về chơi, sau Tết vẫn có thể đem trồng để chơi tiếp được”, chị Lan Anh (Hà Nội) đưa ra quan điểm.
Theo chị, việc đắp xi măng, thạch cao và rêu lên gốc cây như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Người chơi bỏ ra cả triệu đồng mua về chơi mấy ngày Tết như thế khá lãng phí.
Tuy nhiên, một người làm ra gốc hồng giả cổ này khẳng định việc đắp xi măng lên gốc không ảnh hưởng gì đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi chơi Tết xong, mọi người sẽ lấy kéo cắt hoa tàn, tạo tán lại cho cây và chăm sóc như bình thường. Người chơi cũng không cần phải bỏ lớp xi măng vì khi làm những nhà vườn đã nghiên cứu tạo độ rỗng bên trong, không làm kìm hãm sự phát triển của thân cây.
Cây hồng giòn (giống hồng có nguồn gốc từ Nhật Bản) đã bén đất cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ hơn chục năm nay....