Dân Việt

Hà Nội lần đầu tiên chấm điểm sản phẩm OCOP qua mạng

Minh Huệ 11/12/2019 13:00 GMT+7
Mới đây, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp thành phố cho 62 sản phẩm của 3 huyện, gồm: Thanh Trì, Thanh Oai và Thường Tín.

Lần đầu chấm điểm sản phẩm OCOP qua mạng

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện OCOP TP.Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, kế hoạch nhằm phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm, trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng cấp thành phố; 100 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia.

img

  Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm 17 thành viên.  Ảnh: Minh Huệ  

Hà Nội phấn đấu đến ngày 14/12 sẽ chính thức cấp sao cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội. Từ ngày 5 - 8/12, Hà Nội cũng tổ chức phiên chợ OCOP và đặc sản vùng miền các địa phương tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với các sản phẩm OCOP của các huyện có thể tham gia trưng bày, giao lưu để cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm.

Riêng năm nay, Hà Nội phấn đấu có 300 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đã phối hợp với tổ tư vấn thành phố phối hợp với Công ty CP Sông Đà Kinh Bắc tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể làm sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các huyện để hướng dẫn lập hồ sơ cũng như đánh giá phân hạng...

Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm lần này, huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín có 11 chủ thể tham gia, gồm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát; Công ty CP Thực phẩm Song Đạt; HTX Kinh doanh dịch vụ thương mại Đại Lan; Công ty CP Thực phẩm Nam Hà Nội, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà; HTX Hoàng Long; HTX Nông nghiệp Tam Hưng...

Các đơn vị tham gia đánh giá với 62 sản phẩm gồm: Rau muống, bắp cải, đậu phụ, cà chua, súp lơ, su hào, giá đỗ, chả quế, giò lụa, bánh chưng, thịt lợn các loại, thịt bò, nem chua, gạo Bắc thơm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ uống, một số sản phẩm thảo dược, đồ may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn...

Bà Vương Thị Kim Thắm - Giám đốc Công ty CP Sông Đà Kinh Bắc cho biết, đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội triển khai chấm điểm các sản phẩm OCOP qua mạng internet. Theo đó, Hội đồng tổ tư vấn gồm 17 thành viên; các sản phẩm OCOP được đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm). Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm). Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm). Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đến năm 2020, chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.

img

Đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai chấm điểm các sản phẩm OCOP qua mạng internet.

Cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy sản xuất

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết: Thực hiện Kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, đến thời điểm này các địa phương đã chọn được những sản phẩm tốt nhất để tham gia chấm điểm OCOP. Việc lựa chọn các sản phẩm OCOP chặt chẽ không khác gì đi thi, người nông dân, hoặc chủ thể sản phẩm sẽ phải tự thuyết trình về sản phẩm của mình. Chỉ cần 1 tiêu chí không đạt, chúng tôi sẽ loại ngay từ vòng ngoài. Chính vì chặt chẽ như thế nên ban đầu nhiều nông dân, HTX rất ngại tham gia. 

img

img

Các sản phẩm được chấm điểm chặt chẽ, kĩ càng từng tiêu chí 

“Lâu nay bà con nông dân và cả một số HTX thường làm ăn theo thói quen cũ, không có ghi chép về quá trình sản xuất, không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, cũng không quen làm theo các tiêu chuẩn, chứng nhận… Do đó, tham gia chấm điểm OCOP thực sự là cuộc “cách mạng” trong việc vận động, khuyến khích bà con thay đổi tư duy sản xuất, cải tiến phương thức canh tác để có sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí OCOP. Trong quá trình này đã hình thành nên một số tổ hợp tác, HTX, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cho các sản phẩm OCOP”, ông Chí đánh giá.

Bà Thắm cho rằng, cùng với việc cấp sao cho các sản phẩm OCOP thì thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững... Thậm chí tổ chức các lớp tập huấn để người nông dân và các chủ thể sản phẩm có kỹ năng thuyết trình về sản phẩm của mình. 

img