Dân Việt

Các bộ trưởng hứa gì tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân?

Khánh Nguyên 11/12/2019 11:15 GMT+7
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với TP.Cần Thơ chủ trì, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị thực hiện, vốn tín dụng, tích tụ ruộng đất, tiêu thụ nông sản là những vấn đề được nhiều nông dân quan tâm đặt câu hỏi. Ngay sau đó, lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã có những giải đáp thỏa đáng.

Dành nhiều nguồn lực cho ĐBSCL

Trả lời câu hỏi của nông dân về các chương trình phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng 3 Đề án về điều chỉnh sản xuất khu vực ĐBSCL, theo đó, chuyển từ trữ mặn sang điều tiết mặn phù hợp; đề án về phát triển giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là giống thủy sản đến năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở. 

img

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn trả lời câu hỏi của nông dân tại hội nghị. Ảnh: N.Chương.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, xác định ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ là giải pháp căn cơ để phát triển nhanh nền nông nghiệp; giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT ứng dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học, hàng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường.

Về phát triển giao thông cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể,  cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận đi ngang tỉnh Tiền Giang. Vừa qua Chính phủ đã bố trí 2.186 tỷ, phần tiền này đang được UBND tỉnh Tiền Giang và các nhà đầu tư tiến hành giải ngân. Các nhà tín dụng cũng cam kết hỗ trợ 7.000 tỷ, dự kiến tuyến đường này sẽ được làm suốt trong thời gian Tết Nguyên Đán.

Cuối năm 2020, từ Trung Lương - Mỹ Thuận chúng ta có thể đi xe trên đường đá, trên một số đoạn nhựa. Các đoạn khác chúng tôi cũng đang tập trung triển khai, nếu hoàn thành thì tuyến Quốc lộ 1 đi qua Tiền Giang sẽ giảm áp lực rất nhiều vì có cao tốc mới.

Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuyến cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành trước 30/4/2021; tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ đang được Bộ GTVT tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành năm 2022.

Vẫn canh cánh nỗi lo "được mùa mất giá"

Đây là vấn đề được nhiều nông dân chia sẻ, đặt câu hỏi, bởi thực tế, dù nông sản Việt đã bước đầu có chỗ đứng trên thị trường nhưng việc tiêu thụ ở từng thời điểm vẫn gặp khó khăn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta có nền nông nghiệp rất thuận lợi để phát triển một số sản phẩm đặt thù như trái cây nhưng còn nhiều vướng mắc trong xuất khẩu.

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Cụ thể là sản lượng đạt rất lớn nhưng năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất tốt, không có biện pháp điều hành mùa vụ tốt nên câu chuyện được mùa mất giá thường xuyên xảy ra. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện, năng lực sản xuất đang mở rộng và tăng nhanh.

"Vì thế, cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường. Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Sẽ đồng hành với các dự án khởi nghiệp sáng tạo

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khi trả lời câu hỏi của nông dân Ngô Hùng Thắng về chính sách hỗ trợ các sáng chế trong nông nghiệp.

img

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, khởi nghiệp sáng tạo là một lĩnh vực Thủ tướng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Vừa rồi đã có nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước làm sao doanh nghiệp, chính quyền cùng hỗ trợ nông đân trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tập trung vào chính sách hỗ trợ và sáng kiến kỹ thuật, nếu có sáng kiến thì chúng tôi cũng sẽ luôn song hành với bà con.  

Trước hết, để đưa sáng chế vào thực tiễn, phải có đối tác, nông dân chủ động thiết kế rồi nhưng phải có đơn vị hỗ trợ đổi mới công nghệ. Cùng với đó là bảo hộ sở hữu trí tuệ, vấn đề này rất quan trọng. Ngoài ra, cũng đã có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, từ ưu đãi thuế, vốn, đất đai, nhà xưởng, gần như là một doanh nghiệp công nghệ cao.

Ngay ở Đồng Tháp với cây sen đã có rất nhiều nhóm khởi nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, đầu tiên là cạnh tranh ở khu vực và đã có xuất khẩu. Giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Hội Nông dân đã có chương trình phối hợp, để giải quyết bài toán thực tế nên chỉ đạo dọc xuống. Hội Nông dân địa phương sẽ là đầu mối, ngay lập tức báo cho cơ quan trên địa bàn để trợ giúp nông dân.

Khởi nghiệp sáng tạo đã có những chính sách hỗ hỗ trợ cụ thể của Nhà nước. Hiện này Thủ tướng đã có Quyết định, toàn bộ điều kiện môi trường cho khởi nghiệp sáng tạo ta đã có chính sách. Khởi nghiệp sáng tạo ngoài vốn còn có nhà tư vấn, có chuyên gia bên cạnh hỗ trợ, sau đó có nhà đầu tư bên cạnh nữa để các dự án khởi nghiệp thành công.

Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp nông thôn

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn được Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại ưu tiên hàng đầu.

img

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

"Cuối năm 2016, Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng gói khoảng 50.000 tỷ đồng để tập trung cho vay tín dụng công nghệ cao. Trước chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã nhận thức đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngày 7/3/2017, sau khi Chính phủ có nghị định, ngành ngân hàng có văn bản triển khai chủ trương này, cam kết có 100.000 tỷ đồng phục vụ chương trình tín dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Tú nói.

Ông Tú cho biết, đây là gói tín dụng lớn nhất từ trước đến nay, sau đó có 8 ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay gói này với lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường, kể cả ngắn và trung, dài hạn, từ 1-1,5%. Sau đó Bộ NNPTNT đã có văn bản quy định như thế nào là dự án, chương trình ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo đúng đối tượng ưu đãi.

Đến nay, với chính sách ưu đãi như vậy thì đã có doanh số 53.000 tỷ đồng, dư nợ 38.000 tỷ đồng cho 17.000 khách hàng vay vốn liên quan ứng dụng công nghệ cao; trong đó tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 90%.

Hiện nay riêng lĩnh vực tín dụng ngân hàng hiện nay tổng dư nợ của cả nước là khoảng 8 triệu tỷ đồng, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 2 triệu tỷ đồng. Như vậy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên tập trung vốn tín dụng một cách tích cực và nhanh hơn các lĩnh vực khác.

Tung gói tín dụng 5.000 tỷ đồng đẩy lùi tín dụng đen

Trả lời câu hỏi của nông dân Nguyễn Ngọc Đãi (Bình Thuận) về nạn tín dụng đen, ông Đào Minh Tú cho biết, xuất phát từ hội nghị đối thoại trước ở Hải Dương, ngay từ đầu năm Bộ Công an đã tổ chức hội nghị triển khai phòng chống tín dụng đen để giúp bà con nhận diện thực chất nhận diện tín dụng đen là như thế nào, một cách cụ thể.

Sau đó, một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng NN&PTNT đã có gói vay 5.000 tỷ tập trung cho vay tiêu dùng theo ngày. Chúng ta nhận thức đơn giản, nếu như tín dụng đen có địa bàn hoạt động được khi mà tín dụng chính thức của chúng chưa làm tốt. Chính vì thế, khi người dân được tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng, thuận lợi thì sẽ hạn chế được tín dụng đen.

img

Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Bùi Văn Nam

Đến nay, đã triển khai cho vay được khoảng 3.000 tỷ đồng cho rất nhiều hộ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang triển khai thí điểm chương trình tín dụng của NHCSXH cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa cho vay người nghèo và cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý. "Sắp tới Chính phủ có Nghị định riêng về vấn đề tín dụng. Chúng tôi cũng sẽ rà soát, củng cố lại hệ thống cho vay tiêu dùng trong toàn ngành, đảm bảo lãi suất hợp lí và hạn chế được tín dụng đen" - ông Tú nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Bùi Văn Nam, cho biết, để đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nạn tín dụng đen là nhiệm vụ trọng tâm, chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt, khởi tố nhiều vụ án, đã có nhiều địa phương làm tốt việc này như Thanh Hóa, Đăk Nông, Gia Lai, Cần Thơ...

"Theo tôi, để giải quyết dứt điểm nạn tín dụng đen, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của quần chúng nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm" - ông Nam nói.