Theo đó, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cấp chính quyền phải tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Ông Nghị cũng yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của số liệu báo cáo, về mức giá, số lượng lợn tiêu hủy, mức kinh phí đề nghị hỗ trợ. Các địa phương cũng phải công khai kinh phí hỗ trợ trên đài phát thanh xã và tại các thôn, xóm để người dân nắm rõ.
Sở dĩ Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đưa ra yêu cầu này vì thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra một số sai phạm liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Chủ tịch UBND xã Hải An (huyện Hải Hậu) và 3 cán bộ chuyên môn đã bị khởi tố bị can, đang bị bắt tạm giam để điều tra vì đã khai khống số lượng lợn bị tiêu hủy lên tới 28 tấn.
Đã xuất hiện một số trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh họa).
Theo báo cáo của ngành chức năng, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 270.000 con lợn (tương đương 35% tổng đàn) của tỉnh bị tiêu hủy, tổng trọng lượng khoảng 14.500 tấn. Ước tính kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi trên 560 tỷ đồng.
Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 3 đợt kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch bệnh là 386,8 tỷ đồng (gần nhất là ngày 27/11/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND tạm cấp kinh phí cho các huyện, thành phố 150 tỷ đồng).