Từ xa xưa, truyện về một nhân vật anh hùng, bên cạnh chiến công hiển hách, bao giờ cũng phải nhấn mạnh vào những gian khổ điệp trùng, đến mức tưởng chừng ngã gục. Thế rồi, nhân vật anh hùng sẽ vùng lên chiến đấu và ca khúc khải hoàn. Lâu dần, dường như việc thiếu đi loại chi tiết này sẽ khiến cho bất cứ câu chuyện nào cũng kém đi vài phần hấp dẫn. Chủ nghĩa anh hùng từng phải đi liền với bối cảnh khốc liệt, phải gắn với sức mạnh phi thường. Đó là những gì mà lịch sử ghi lại. Tuy nhiên, Giáo sư Philip Zimbardo từ Đại học Stanford (Hoa Kì) trong bài luận "What Makes a Hero?" (Điều gì tạo nên Anh Hùng?) đã đề cập đến một khái niệm khác: anh hùng thường nhật. Theo ông, ‘anh hùng thường nhật’ chính là những người vượt lên bản thân, vượt qua những khó khăn để chuyên tâm làm tốt công việc của mình trong cuộc sống. Nếu vậy, Nguyễn Đức Chiến có đủ phẩm chất để trở thành nhân vật chính trong một câu chuyện ‘anh hùng’.
Tiền vệ Nguyễn Đức Chiến.
Hữu xạ tự nhiên hương
Với Đức Chiến, con đường theo nghiệp quần đùi áo số có vẻ bằng phẳng hơn nhiều đồng nghiệp. Từ bệ phóng là đội nhi đồng Hải Dương, 11 tuổi Chiến vô địch giải U11 toàn quốc, 14 tuổi từ quê nhà Chí Linh đến Trung tâm Thể thao Viettel, 17 tuổi được đôn lên đội 1 cùng đàn anh chinh chiến tại giải hạng Nhì, 18 tuổi đeo băng đội trưởng U19 Viettel dự VCK U19 Quốc gia tại Nha Trang, cán đích với thành tích đội Á quân, 19 tuổi được HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập lên U20 Việt Nam chuẩn bị cho World Cup, cùng năm đó tham dự giải U21 Quốc gia rồi điền tên mình vào đội hình tiêu biểu, 20 tuổi cùng CLB chủ quản vô địch giải hạng Nhất v.v.., trên hành trình của cầu thủ trẻ dường như không có cú sốc nào quá lớn. Nếu nhìn vào một loạt thành tích kể trên, có thể tạm coi đây là cuộc hành trình suôn sẻ.
Thế nhưng, đối với những ai yêu mến Đức Chiến, bên cạnh cảm giác tự hào khi chứng kiến từng bước trưởng thành nơi cậu, đâu đó vẫn nhẩn nha cảm giác tiếc nuối khi tài năng của cầu thủ con cưng chưa được biết đến rộng rãi. Ở thời điểm cách đây chừng 1 năm, công cụ tìm kiếm Google không cho ra được bao nhiêu kết quả với từ khóa ‘Nguyễn Đức Chiến’. Chưa cần nói đến thống kê, phân tích chuyên môn, thậm chí đến thông tin cơ bản như ngày sinh, quê quán, hay những thông số như chiều cao, cân nặng đều không chính xác. Có điều, dường như ai cũng biết và tin tưởng rằng, với lối chơi đĩnh đạc, khoan thai, phảng phất đâu đó dáng dấp của những bậc tiền nhân, khả năng phán đoán chính xác, tư duy chơi bóng thông minh, cầu thủ người Hải Dương nhất định sẽ làm nên chuyện. Chính trung vệ đội trưởng Bùi Tiến Dũng cũng như các đồng đội ở CLB Viettel đã không ít lần cả trực tiếp lẫn gián tiếp khẳng định điều này. Chiến vẫn miệt mài phấn đấu vì phía trước còn bạt ngàn cơ hội – những cơ hội nhất định sẽ đến với người biết nỗ lực và kiên tâm.
Không quá khi nói rằng, nếu đi qua chừng đó giải trẻ vẫn chưa đủ gây ấn tượng với người yêu bóng đá, Giải VĐQG 2019 chính là bước ngoặt để Nguyễn Đức Chiến bước ra ánh sáng. Cầu thủ mới 21 tuổi đã có màn chào sân V.League không thể xuất sắc hơn. Mặc dù chỉ được xem như giải pháp tình thế trong bối cảnh trung vệ Quế Ngọc Hải vừa phải nhận thẻ đỏ, cậu đã để lại dấu ấn đậm nét trong đội hình 4-1-4-1 thi đấu rất hiệu quả của Viettel. Chiến đã hoàn toàn lột xác, không còn những pha xử lý non kinh nghiệm đầy rủi ro như những gì từng thể hiện trong Viettel Cup hồi đầu năm. Trước sự mạnh mẽ, quyết đoán của trung vệ có chiều cao lý tưởng 1m84, rất nhiều khán giả có mặt trên sân Hàng Đẫy tối 1/3/2019 đã lần đầu tiên phải đặt câu hỏi về lai lịch số 21 Viettel. Với thiên hướng chủ động đối đầu trực diện với cầu thủ tấn công của đối phương, cùng với sức mạnh vượt trội, Đức Chiến không ít lần giải nguy cho đội chủ sân Hàng Đẫy, hóa thành gọng kìm khóa chặt tiền đạo chủ lực Rimario của CLB Thanh Hóa, không cho cầu thủ người Jamaica có đủ không gian hoạt động. Ngoài những kỹ năng phòng ngự, Đức Chiến còn trình diễn khả năng tham gia tấn công bằng những đường chuyền phát động có độ chính xác cao.
Trận cầu 3 điểm trong khuôn khổ vòng 2 V.League 2019 là chiến thắng của cả tập thể Viettel và cũng là chiến thắng của riêng Nguyễn Đức Chiến trên hành trình khẳng định giá trị của mình. Ngay sau trận đấu này ít ngày, Đức Chiến là một trong số 37 cái tên được HLV Park Hang-seo triệu tập để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020. Quả đúng như lời cựu danh thủ M.U Michael Carrick, “Đàn ông không đi tìm sự khẳng định, màn thể hiện trên sân sẽ giúp họ làm điều đó.” Đây chính là cái kết đẹp để mở ra chương mới trong câu chuyện ‘anh hùng’ của Chiến, nơi mà vẻ đẹp của sự kiên trì, sau quãng thời gian thầm lặng, đã thực sự tỏa sáng.
“Giấc mơ này chẳng ai khác cầm lái”
Nguyễn Đức Chiến xuất phát hoản hảo cho mùa giải đầu tiên được chơi ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng thậm chí còn cán đích theo cách hoàn hảo hơn. Vòng 26, Viettel trở lại sân nhà tiếp đón SHB Đà Nẵng. Đây được xem như cơ hội để hậu duệ Thể Công trả món nợ thua trận 1-3 từ đầu mùa. Viettel chơi một trận cầu tưng bừng với chiến thắng 5-3, trong đó có cú poker của Bruno Cunha. Sau trận này, Bruno trở thành vua phá lưới (15 bàn), chỉ cần nửa mùa để san bằng thành tích với Pape Omar của CLB Hà Nội.
Nguyễn Đức Chiến góp phần quan trọng vào tấm HCV SEA Games 30 của U22 Việt Nam.
Sự nhạy bén của Bruno là không thể bàn cãi. Tuy nhiên sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến màn trình diễn chất lượng của tiền vệ Nguyễn Đức Chiến với cú hat-trick kiến tạo. Xuyên suốt 26 vòng đấu, chưa kịp hết trầm trồ về sự chắc chắn của cậu ở vị trí trung vệ, khán giả đã phải vỗ tay tán thưởng cho hàng loạt những pha thoát pressing điệu nghệ, khả năng đánh chặn, thu hồi và triển khai bóng, cứ như thể cầu thủ người Hải Dương đã chơi ở vị trí tiền vệ từ rất lâu rồi. Phần sau của mùa giải, Trọng Đại cùng Đức Chiến đã khiến cho mọi pha đối đầu tại khu trung tuyến thực sự trở thành một cuộc“đại chiến”.
Trước khi V.League 2019 khởi tranh, cơ hội ra sân của Đức Chiến hãy còn bỏ ngỏ. Viettel có thừa trung vệ tốt: đội trưởng Bùi Tiến Dũng và “người mới” Quế Ngọc Hải đều là tuyển thủ quốc gia, ngoại binh Gustavo Santos với chiều cao ấn tượng 1m95. Ấy vậy mà mấy ai ngờ được, kết thúc mùa giải, Nguyễn Đức Chiến chơi đến 24/26 trận ở nhiều vị trí từ trung vệ, hậu vệ biên đến tiền vệ trung tâm – là một trong số những cầu thủ ra sân nhiều nhất cho Viettel. Chiến có cho riêng mình một bàn thắng đẹp vào lưới Than Quảng Ninh, nhiều pha kiến tạo và phát động tấn công. Tuy không thể hiện phong độ chói lòa nhưng sự ổn định của Chiến đã góp phần không hề nhỏ vào thành tích xếp thứ 6 của CLB – đây cũng là thành tích tốt nhất mà một tân binh từng có được trong lịch sử giải đấu. Trong khảo sát cuối mùa giải bầu chọn ba cầu thủ thi đấu xuất sắc nhất, hàng loạt CĐV Viettel đã đồng lòng đưa ra những cái tên: tiền đạo ngoại Bruno Cunha (đồng thời là vua phá lưới của giải), tuyển thủ quốc gia Nguyễn Trọng Hoàng và Nguyễn Đức Chiến. Trong số ba cái tên kể trên, chỉ có Đức Chiến là cầu thủ do chính Viettel đào tạo. Chất lính đậm nét trong cậu bộc lộ qua từng pha tranh chấp. Tinh thần chiến đấu của cầu thủ số 21 hàm chứa trọn vẹn cái hồn của đội bóng tân binh, xứng đáng là hậu duệ của thế hệ Thể Công đi trước.
Ở cấp độ đội tuyển, Nguyễn Đức Chiến tiếp tục làm nức lòng CĐV đội bóng áo lính nói riêng, người hâm mộ bóng đá nói chung. Trải qua nhiều trận giao hữu như các gặp U22 Myanmar, U22 Trung Quốc, U22 UAE (trận mà Đức Chiến được tin tưởng giao băng đội trưởng), cậu đều cho thấy sự chắc chắn cần thiết, dần chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.
Bước vào chiến dịch SEA Games 30 với trọng trách nặng nề hoàn thành giấc mơ Vàng tồn tại 60 năm, dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia người Hàn Quốc, cầu thủ sinh năm 1998 cùng các đồng đội tiếp tục khẳng định đẳng cấp của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Đức Chiến bắt đầu giải đấu ở vị trí trung vệ quen thuộc. Hiệp hai trận cuối cùng vòng bảng gặp U22 Thái Lan, HLV Park Hang-seo bất ngờ tung cầu thủ xuất thân trung vệ vào sân đá tiền vệ phòng ngự. Kể từ đó, ông Park liên tiếp tin tưởng Đức Chiến với vị trí được xem như trái sở trường này.
Trong toàn bộ những lần Chiến ra sân với vai trò mới, U22 Việt Nam không thủng lưới bàn nào. Sự có mặt của một cầu thủ cao đến 1m84 chơi thấp nhất trong số ba tiền vệ, án ngữ phần giữa sân ngay trước mặt các trung vệ đã đưa ra phương án phòng ngự từ xa hết sức hiệu quả cho U22 Việt Nam. Đúng như kì vọng, Đức Chiến tạo ra chất cơ bắp cho tuyến giữa vốn thường xuyên đánh mất sự chắc chắn. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chiến, đối thủ chỉ còn biết triển khai bóng vu vơ cầu may, bất lực trong công cuộc tìm đường đến khung thành thủ môn Văn Toản. Nói vui, Chiến đã… “bê” bức tường thép tiến lên vài chục mét nữa.
Nguyễn Đức Chiến, cùng bộ sưu tập kĩ năng tắc bóng, dâng cao đánh chặn, thu hồi và triển khai bóng, khi cần cũng thoát pressing đầy điệu nghệ, được xem như phát hiện mới đầy thành công của HLV Park tại SEA Games 30. Nhưng với các khán giả trung thành của Viettel, họ quá quen với hình ảnh này, đến nỗi đôi khi quên mất Đức Chiến đã từng chơi hay thế nào ở vị trí trung vệ. Trong suốt trận chung kết lịch sử, vô số lần các BLV dành cho cầu thủ số 21 lời khen ngợi. Vậy mới thấy, “Khi bạn giỏi điều gì, cứ nói với mọi người. Còn khi bạn xuất sắc, cả thế giới sẽ nói cho bạn nghe điều đó.” (Walter Payton)
10 qua đi, Việt Nam mới lại lọt vào đến trận chung kết. 10 trước, Đức Chiến, Hoàng Đức, Tiến Linh hay Đức Chinh chỉ là những cậu bé 11, 12 tuổi – vừa đủ lớn để biết vui buồn theo từng trận đấu, nhưng cũng lại chưa đủ lớn để ý thức được tại sao giấc mơ ấy lại ám ảnh vậy. Giấc mơ của những cậu bé, cũng như rất nhiều đứa trẻ trên khắp đất nước Việt Nam khi đó, có lẽ chỉ là được xỏ giày chạy trên những thảm cỏ tuyệt đẹp, trở thành một cầu thủ nhận được thật nhiều tình cảm yêu mến. Lớn rồi ta sẽ đi SEA Games hái Vàng, không có gì to tát cả. 10 sau, mới ngày nào còn “gần huy chương Vàng đến thế mà chúng ta vẫn cảm thấy nó xa xa” thật sự đã trở thành “không có gì to tát cả”. Nó đến nhẹ nhàng như vốn dĩ phải đến từ rất lâu, rất lâu rồi, đến rất thật, không hồ nghi, không tì vết. Từng người trong số họ, và trong cả hàng triệu trái tim Việt Nam đã cùng nhau cầm lái giấc mơ cập bến.
Người dẫn đường
Vua bóng đá Péle từng nói, “Hầu hết mọi người khi chứng kiến một cầu thủ ghi được rất nhiều bàn thắng đều sẽ nghĩ rằng, “Ồ, anh ta đúng là một cầu thủ xuất sắc!”, bởi vì bàn thắng thì luôn quan trọng. Nhưng một cầu thủ xuất sắc là người có thể làm mọi thứ trên sân cỏ: hỗ trợ, khích lệ đồng đội, tiếp cho họ sự tự tin tiến lên phía trước. Đó là người, nếu chẳng may đội không làm tốt, sẽ trở thành một trong số những người dẫn đường”. Rõ ràng, chuyện thắng thua trong bóng đá mang ý nghĩa hết sức quan trọng mà biểu hiện rõ ràng nhất nằm ở bàn thắng. Tuy nhiên, không phải lúc nào bàn thắng cũng là thước đo tuyệt đối. Trong cả sự nghiệp tính đến giờ, Nguyễn Đức Chiến, với vai trò nòng cốt nơi hàng phòng ngự, hiếm khi ghi bàn. Giá trị của Chiến đến từ sự vững vàng – thứ giá trị vô cùng hữu ích trong giai đoạn khó khăn. Hạnh phúc có thể được tìm thấy ngay cả trong thời khắc đen tối nhất, chỉ cần ai đó nhớ bật đèn. Đức Chiến chính là một “người dẫn đường”, người “bật đèn” như thế.
HLV Park Hang-seo đã rất thành công khi xếp Nguyễn Đức Chiến ở vai trò tiền vệ phòng ngự.
Sự đơn giản, bản lĩnh, lì lợm, khả năng phán đoán tình huống và đặc biệt là sự chắc chắn để trở thành điểm tựa tinh thần cho đồng đội của Đức Chiến được đội trưởng ĐT Việt Nam Quế Ngọc Hải đánh giá rất cao. Anh cho rằng đàn em cùng CLB của mình đang đi đúng hướng để có được thành công. Những người thầy của Chiến như HLV Nguyễn Hải Biên, HLV Park Hang-seo v.v.. cũng dành lời khen ngợi cho học trò nhờ sự can đảm, nhiệt huyết của cậu.
Trong loạt ảnh tôi chụp vào mùa hè năm 2018, Nguyễn Đức Chiến khi ấy vẫn còn là một chàng trai trẻ chưa đầy 20 tuổi, mặc áo bib, vui vẻ chơi đá ma cùng thủ môn Quàng Thế Tài trong giờ nghỉ giữa trận. Mùa đông 2019, cờ đỏ sao vàng thêu nơi ngực trái, HCV sáng rực đeo trên cổ, Chiến đã là nhà vô địch SEA Games. Nhưng dù là lúc nào, Đức Chiến vẫn trình diễn một thứ bóng đá mà BTV Quốc Khánh từng nhận xét là “chân thành”, giản dị nhưng quyến rũ, vô cùng tử tế, ngập tràn mê say. Cũng như niềm tin rằng Đức Chiến sẽ tỏa sáng, cứ tin rằng những người dùng sự nhiệt thành và ngay thẳng để cống hiến tất sẽ nhận lại tình cảm mến mộ thành thật và thẳng ngay.
Không chỉ chơi bóng bằng đôi chân, Nguyễn Đức Chiến của chúng tôi nhất định sẽ chơi bóng bằng cả trái tim – trái tim sư tử. Dũng cảm. Không đầu hàng.