Chủ yếu là lao động tự do
Thời điểm này, tại các tuyến đường quen thuộc như chợ đầu mối Long Biên, chợ Bưởi, đường Âu Cơ (Hà Nội) xuất hiện rất nhiều lao động tự do chờ tìm việc. Từ 5 giờ sáng, tại chợ Long Biên đã có hàng chục lao động tự do ngồi chờ việc. Hầu hết trong số họ đều đến từ Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… Chị Nguyễn Thị Ngân (53 tuổi, quê Mai Châu, Hòa Bình) đang là công nhân thời vụ làm việc tại công trường xây dựng khu đô thị Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lên Hà Nội làm việc đã được hơn 1 tháng. Năm nào cũng vậy, giáp tết là chị cùng mấy người hàng xóm lại lên Hà Nội tìm việc làm. Mấy năm trước chị làm bốc vác ở chợ Long Biên, nhưng năm nay chị quyết định xin theo mấy tổ thợ xây, phụ hồ, bốc gạch. Công cho một ngày phụ hồ của chị Ngân khoảng 250.000 - 300.000 đồng. Nếu làm đủ công, một tháng chị nhận được khoảng 7 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Ngân (53 tuổi, Hòa Bình) làm công việc phụ hồ xây dựng. Ảnh: T.N
"Cận tết, tiền công làm việc theo giờ hay theo ngày của lao động tự do, lao động thời vụ đều tăng. Năm nay, mức tiền công dao động trong khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày tùy từng công việc nặng nhọc hay không. Riêng một số công việc như chạy xe ôm công nghệ, bốc vác, dọn vệ sinh theo giờ, lao động có thể nhận mức lương cao hơn, từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày". Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
"So với bốc vác ở chợ Long Biên thì thu nhập thấp hơn, nhưng trộn vữa hồ không quá vất vả, công việc lại đều nên thu nhập cũng ổn hơn. Quan trọng hơn là ở đây chủ thầu xây dựng lo chỗ ăn, chỗ ở nên cuộc sống cũng đỡ vất vả nguy hiểm hơn" - chị Ngân nói.
Chị Ngân còn chia sẻ, cuối năm, khoảng 26 tết xong công trình xây dựng, chị sẽ cùng với mấy chị em trong tổ thợ đi nhận quét dọn, làm vệ sinh theo giờ để có thêm thu nhập.
Ở một khu phố khác trên địa bàn quận Chương Dương (Hà Nội) cũng có hàng tốp người di cư kéo về để tìm công việc thời vụ, kiếm thêm thu nhập có tiền lo tết. Chị Nguyễn Thị Loan (Hưng Yên) cho biết, công việc đồng áng đã xong, tranh thủ lúc nông nhàn chị cùng chồng lên Hà Nội tìm việc làm thêm. Dự kiến, hai vợ chồng chỉ làm 2 tháng đủ tiền lo tết là về quê.
"Nói vậy thôi, chứ hai vợ chồng tôi đi làm trên Hà Nội này một tháng bằng làm lúa cả năm ở quê. Thế nên từ 3 năm nay, cứ lúc nào nông nhàn là vợ chồng tôi lại lên Hà Nội làm thêm" - chị Loan nói.
Hiện tại, anh chị thuê căn phòng trọ khoảng 10m2 ở Chương Dương với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Chị đi bán hàng rong, nhận thêm lau dọn nhà theo giờ, anh chạy xe ôm kiêm bốc vác. Mỗi tháng trừ chi phí ăn uống, tiền nhà, tiền sinh hoạt, anh chị có thể tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng.
Cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo
Cuối năm luôn là thời điểm cung - cầu lao động phổ thông lên cao. Chính bởi vậy, nguy cơ bị lừa đảo của lao động tự do từ những vùng quê lên Hà Nội làm việc cũng cao hơn bình thường.
Anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Hóa) cho biết, cách đây đúng 2 năm, vào đúng thời điểm cận tết như này, lần đầu tiên anh ra Hà Nội tìm việc và đã bị lừa. Anh Nam cho biết, khi dừng chân tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), anh được một xe ôm môi giới việc làm. Sau khi qua văn phòng việc làm, anh được 500.000 đồng để được giới thiệu công việc làm bảo vệ theo ca với mức lương là 5.000 đồng/giờ. Sau đó, nhân viên văn phòng này yêu cầu anh đưa thêm 500.000 đồng, nếu muốn được giới thiệu thêm công việc làm bán thời gian, tranh thủ lúc nghỉ ca làm bảo vệ. Tiền giao xong, hồ sơ xin việc văn phòng cũng đã giữ, nhưng cuối cùng anh bị lừa chẳng biết cầu cứu ai. Mất tiền, mất cả hồ sơ xin việc, anh đành ra đường xin đi bốc vác, rồi đi chở hàng.
"Theo tôi, người lao động nên tìm hiểu kỹ công việc trước khi rời quê lên thành phố làm việc. Tốt nhất là nên đi theo một nhóm khoảng 2 - 3 người để tránh bị lừa đảo, hành hung. Thêm nữa, chỉ nên tin lời giới thiệu của người thân, hoặc qua các trung tâm môi giới việc làm để tìm việc. Tuyệt đối không đưa tiền, đưa giấy tờ cho những kẻ môi giới hay trung tâm tìm việc" - anh Nam khuyên.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, dù đã cố gắng mở rất nhiều phiên giao dịch việc làm cho lao động phổ thông, lao động tự do vào dịp cuối năm, nhưng các phiên giao dịch này vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu tìm việc của người lao động. Thêm vào đó, lao động di cư tự do thường tự đi, tự tìm việc làm mà không có báo cáo với chính quyền địa phương hay qua trung tâm tư vấn việc làm công để tìm việc nên rất khó để cơ quan tư vấn việc làm công có thể hỗ trợ.
"Theo tôi, lao động trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ về công việc mình định làm, nơi mình định tới và nên khai báo tạm trú, tạm vắng tại nơi ở để được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Với những công việc như xây dựng, bốc vác, lau kính, chạy xe..., cần phải xem xét kỹ yếu tố an toàn trước khi làm việc. Tuyệt đối không làm việc quá sức vì điều này có thể gây ra các tai nạn lao động cho bản thân và người khác" - ông Thành nói.