Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn thời điểm bị khởi tố (ảnh Bộ Công an).
1. Thu hồi tài sản thất thoát tốt nhất từ trước tới nay
Trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, trước khi vụ án được khởi tố, ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone, gồm: hơn 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 329 tỷ đồng tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án. Như vậy, số tiền thiệt hại của Nhà nước đã thu hồi được toàn bộ và là vụ án có số tài sản thất thoát được thu hồi tốt nhất từ trước tới nay.
2. Hành vi đưa và nhận hối lộ được làm rõ
So với những vụ án có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ, vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ được việc đưa và nhận hối lộ. Thông thường hành vi đưa và nhận hối lộ diễn ra rất kín đáo, khó có thể bị phát hiện. Trong một số vụ án, ví dụ như vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng liên quan đến 2 cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, mặc dù Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch của CNC) khai đưa tiền cho ông Vĩnh và ông Hóa, nhưng hai ông này đã chối, việc đưa nhận tiền này chưa đủ các tài liệu chứng minh nên chưa thể xử lý hành vi nhận hối lộ trong trường hợp này.
Trở lại vụ án Mobifone –AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi đưa hối lộ, đồng thời tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng để làm rõ hành vi nhận hối lộ của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải.
Các ông Son, Tuấn, Trà và Hải cũng thừa nhận hành vi nhận hối lộ và tác động để gia đình khắc phục hậu quả. Trong đó gia đình ông Lê Nam Trà đã nộp số tiền 2,5 triệu USD; gia đình ông Cao Duy Hải nộp 500 nghìn USD; gia đình ông Trương Minh Tuấn nộp gần 200 nghìn USD. Theo cáo trạng, riêng ông Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền (tính đến thời điểm tháng 10/2019).
3. Nhiều Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh xin cho Phạm Nhật Vũ
Trong vụ án này, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hà Nội, tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hưng Yên có đơn đề nghị cơ quan tố tụng xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
4. Lần đầu 3 Kiểm sát viên tham gia giữ quyền công tố tại tòa
Tại phiên tòa sơ thẩm tới, lần đầu tiên có 3 Kiểm sát viên cao cấp, gồm ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng giữ quyền công tố tại tòa.
5. Vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo
Tháng 4/2018, trong phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó ông chưa là Chủ tịch nước), Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc MobiFone mua 95% của AVG vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại phiên họp thứ 16 (tháng 7/2019) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vụ án này tiếp tục được nhắc tới để đôn đốc tiến độ. Đến tháng 11/2019, tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, khi kết luận Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 vụ án, trong đó có vụ án Mobifone –AVG.
Trong 14 bị cáo được đưa ra xét xử, có 13 người bị truy tố tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 220, khoản 3 bộ luật Hình sự năm 2015; 4 bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, theo quy định tại điều 354, khoản 4 bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT-TT giai đoạn 2011 - 2016; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT giai đoạn 2016 - 2.2019; Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone; Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc MobiFone. Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG, bị xét xử về tội đưa hối lộ, theo quy định tại điều 364 bộ luật Hình sự năm 2015. Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước, mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực tế của AVG sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả thì chỉ còn lại khoảng 1.970 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho MobiFone (doanh nghiệp nhà nước) hơn 6.950 tỉ đồng. |