Dân Việt

Giá heo hơi vừa tăng, lại lo giảm thuế nhập khẩu thịt heo, gà

Anh Thơ 15/12/2019 07:30 GMT+7
Thông tin Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, gà đang khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi lượng thịt nhập khẩu có thể tăng đột biến, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Thực tế, theo các hiệp định thương mại, việc này bắt buộc phải làm.

img

Nhập khẩu tăng đột biến

Dịch tả lợn châu Phi, chiến tranh thương mại được cho là hai nguyên nhân chính khiến sản lượng thịt lợn, gà nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng đột biến. Cụ thể, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) 9 tháng năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 14.824 tấn thịt lợn các loại với tổng giá trị 29,177 triệu USD.

Trong khi đó, cả năm 2018, lượng thịt lợn nhập khẩu là 14.295 tấn với tổng giá trị 23,625 triệu USD. Năm 2017, con số này là 6.332 tấn với giá trị 10,6 triệu USD. Các sản phẩm thịt lợn nhập về Việt Nam chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ lợn… và nội tạng.

img

Thịt gà nhập khẩu cũng tăng mạnh do nhu cầu thị trường (ảnh: Thịt gà được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội). Ảnh:  M.Y

Trong khi đó, nhập khẩu thịt gà cũng tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Mỹ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...).

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn bị giảm đáng kể, lượng thịt thiếu hụt cho những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 lên đến 200.000 tấn. Để đảm bảo ngay lượng thịt lợn thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã thống nhất với ngành công thương đề xuất hướng nhập khẩu trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi, người tiêu dùng.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay việc nhập khẩu thịt lợn do các doanh nghiệp tự quyết, không cần phải xin hạn ngạch và cũng có đến 24 quốc gia Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn. Nếu các doanh nghiệp quan tâm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ NNPTNT hỗ trợ nhập khẩu.

Đối mặt với sự phá sản

Trong bối cảnh lượng thịt lợn, gà nhập khẩu tăng đột biến, việc Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn, gà khiến nhiều người lo lắng.

Theo đó, Bộ Tài chính vừa có Công văn 14813 gửi xin ý kiến các bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125 của Chính phủ, trong đó có liên quan đến mức thuế nhập khẩu của mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, Ủy ban Nông nghiệp Mỹ đã có đề nghị giảm mức thuế thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.

"Việc tăng nhập khẩu thịt heo, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính" - Bộ Tài chính cho biết.

Mặt khác, trong 6 tháng qua, giá lợn hơi thị trường Chicago, Mỹ có xu hướng giảm với mức giảm 6,225 UScent/lb. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn trong nước trong xu hướng giảm là do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, các đầu mối đẩy mạnh thu mua xuất lợn sống sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ thiếu hụt trong năm nay, đặc biệt dịp cuối năm. Việc thiếu hụt không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác.

Từ các phân tích trên, trước mắt để đáp ứng đề nghị của phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%.

Mặt hàng thịt gà được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%).

Theo Bộ Tài chính, mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà thuộc phân nhóm 0207.14. Tại Công văn ngày 8/11/2019, Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm các mặt hàng thịt gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.

Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027; giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18%.

Qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay và theo đánh giá của Bộ NNPTNT việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.

Đánh giá về tác động của chính sách này, đại diện Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho rằng, việc Bộ Tài chính giảm thuế các loại thịt nhập khẩu khiến ngành chăn nuôi gà, lợn Việt Nam đối mặt với tình trạng phá sản bởi khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ và tương lai không xa sẽ thay thế nguồn cung trong nước.

Nhiều chuyên gia lại cho rằng, giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% là một xu thế chung của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực hiện xu thế chung đó có cái lợi là giúp phát triển sản xuất, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, giá rẻ, khi mức tiêu dùng lớn hơn sẽ kích thích sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị kịp cơ sở vật chất nên Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu vào thời điểm này sẽ tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi Việt Nam.

Long An: Nhập lậu heo từ Campuchia "nóng" từ nửa đêm tới 3 giờ sáng

UBND tỉnh Long An vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan có biện pháp chấm dứt tình trạng nhập lậu heo qua biên giới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh vừa xác nhận, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng nhập lậu heo từ Campuchia vào nội địa.

img

Một vụ bắt giữ heo nhập lậu tại Long An.

Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Long An Phạm Đức Chinh cũng cho rằng, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Đức Huệ, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường có nguy cơ tăng cao, trong đó có mặt hàng heo.

“Hiện, bộ đội biên phòng đang siết chặt biên giới để kiểm soát thương lái tuồn heo từ Campuchia vào Việt Nam qua ngõ biên giới Long An”, bà Khanh thông tin.

Gần đây, tình hình nhập lậu heo từ biên giới Campuchia vào Việt Nam qua ngõ Long An trở nên "nóng” hơn trước.

Cụ thể, ngày 12/11, Đồn Biên phòng Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) đã phát hiện, ngăn chặn và chuyển giao cho Biên phòng Campuchia việc tập kết 13 con heo (trọng lượng bình quân 80 kg/con) chuẩn bị vận chuyển vào Việt Nam.

Một tuần sau, ngày 18/11, Đồn Biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng) bắt giữ vụ vận chuyển không phép 95 con heo (tổng trọng lượng khoảng 7.600 kg) qua biên giới.

Theo ông Chính, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng buôn lậu chủ yếu vào ban đêm, từ 21 giờ - 3 giờ sáng. Trong quá trình nhập lậu heo, bọn buôn lậu luôn cho người bám theo các lực lượng chống buôn lậu hoặc sử dụng phương tiện để cản địa khi bị phát hiện.

“Tất cả số heo nhập lậu bị phát hiện thu giữ đều không có nguồn gốc, chưa được kiểm dịch từ cơ quan thú y, nên đã được tiêu hủy để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh khi vận chuyển vào nội địa”, bà Khanh cho biết. 

Sở NN&PTNT Long An nhận định, trước đây, việc vận chuyển heo qua biên giới tại tỉnh Long An chủ yếu qua hình thức trao đổi nhỏ lẻ giữa cư dân khu vực dọc tuyến biên giới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự chênh lệch về giá bởi dịch tả heo châu Phi khiến lượng heo trong nước khan hiếm, giá cả tăng cao nên việc nhập lậu heo từ Campuchia vào Việt Nam qua ngõ Long An bằng các cửa khẩu phụ và lối mở có chiều hướng gia tăng với số lượng hàng chục con.

Hình thức nhập lậu heo này đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Long An vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương liên quan cần tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu.

Hiện, tại khu vực Tây Nam bộ, ngoài Long An, tỉnh An Giang cũng đang “nóng” với việc nhập lậu heo qua biên giới từ Campuchia.

                               Trần Đáng

Giá heo sôi sục, có thể lên 100.000 đồng/kg

Giá heo hơi hôm nay 16/12 thị trường cả nước vẫn không ngừng sôi sục khi "đại gia" trong ngành là Công ty chăn nuôi C.P tăng giá bán cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Hiện giá heo hơi tại kho của doanh nghiệp này đạt từ 81.000-82.000 đồng/kg, tuy nhiên giá ngoài thị trường tự do đã có nơi nhảy vọt lên 92.000-93.000 đồng/kg. Nhiều người cho rằng với đà tăng giá này, không lâu nữa giá lợn hơi sẽ đạt mức 100.000 đồng/kg.

Sau khi tăng giá tới 2.000 đồng/kg vào ngày 14/12, 1.000 đồng/kg vào ngày 15/12, đến hôm nay Công ty cổ phần chăn nuôi C.P tiếp tục tăng giá bán heo hơi tại kho thêm 1.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại các kho của C.P miền Bắc ở Hà Nội, Bắc Giang, Hoà Bình đạt 82.000 đồng/kg. 

Doanh nghiệp lớn tăng giá từng ngày đã có tác động mạnh lên thị trường thịt heo miền Bắc, theo đó, giá heo hơi cao nhất thị trường miền Bắc đã lên đến 92.000 - 93.000 đồng/kg. Ở nhiều nơi, thương lái vào nhà dân trả giá heo hơi 90.000 đồng/kg nhưng phải đi về tay không vì bà con không đồng ý bán. 

Đáng chú ý, giá heo hơi tại một số tỉnh thành đang tăng phi mã so với cuối tháng 11/2019, đơn cử như Kim Sơn (Ninh Bình), khu vực Thái Bình giá lợn hơi hôm nay đạt 92.000 đồng/kg; Tiên Lữ (Hưng Yên) 93.000 đồng/kg. Tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, giá lợn hơi đang dao động từ 90.000-92.000 đồng/kg.

Giá heo hơi phổ biến ở miền Bắc hiện dao động từ 88.000 - 92.000 đồng/kg, tuỳ địa phương và tuỳ loại heo. So với cùng kỳ tháng 11/2019, giá heo hơi hôm nay 16/12 tăng cao hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong lịch sử. 

Anh Nguyễn Thiên Phước (Công ty TNHH Dinh dưỡng Nông nghiệp xanh Omega-Mix) cho biết, gần đây lượng heo hơi về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, từ 5-10%/ngày, song lượng tiêu thụ yếu hơn trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá heo hơi tăng cao dẫn tới giá heo mảnh cũng tăng mạnh, tiểu thương tiêu thụ khó khăn vì người tiêu dùng giảm ăn thịt heo, tăng mua các loại thực phẩm khác. 

Cũng theo anh Phước, giá heo hơi phổ biến các khu vực miền Nam hiện từ 86.000 - 90.000 đồng/kg. 

Theo nhận định từ giới kinh doanh và một số thương lái, các dấu hiệu trên thị trường cho thấy nguồn heo đang thiếu hụt thực sự, giá tăng "nóng" là có thật chứ không phải "sốt ảo". Bên cạnh đó, do tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục bùng phát ở một số địa phương, khiến người dân tái đàn gặp khó khăn nên thời gian tới, giá heo hơi khó có khả năng giảm, thậm chí sẽ sớm cán mốc 100.000 đồn/kg.

Thiên Ngân

img