Như vậy, chỉ sau khi tiêm lại vaccine Quinvaxem hơn 1 tháng, với 400.000 mũi tiêm, đã có ít nhất 2 trẻ tử vong sau tiêm chủng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn loại trừ các nguyên nhân do chất lượng vaccine và quy trình tiêm chủng. Giống như các “bài cũ”, ngành y tế vẫn cho rằng, đó là những “cái chết trùng hợp ngẫu nhiên” với bệnh lý của trẻ.
Nhà quá nghèo nên gia đình cháu bé tử vong vì Quinvaxem chấp nhận lấy 40 triệu đồng, không thưa kiện.
Và lý luận rằng, trẻ dưới 1 tuổi có rất nhiều bệnh lý nguy hiểm, khó phát hiện, dễ tử vong như bệnh phổi, bệnh tim, dị ứng gây sốc phản vệ… Do đó, nếu không có việc tiêm vaccine thì hàng ngày vẫn có khoảng hơn 30 đứa trẻ dưới 1 tuổi tử vong vì nhiều loại bệnh, thậm chí không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, còn có nhiều phản ứng chùm sau tiêm Quinvaxem tại nhiều tỉnh, khiến hàng chục trẻ em nhập viện. Ngành y tế cũng nhanh chóng trấn an rằng, đó chỉ là phản ứng thông thường và có lẽ, cha mẹ “thần hồn nát thần tính” nên thấy con mới sốt đã đưa đi bệnh viện cấp cứu. Và rằng, tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem vẫn nằm trong giới hạn cho phép, thậm chí thấp hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với tỷ lệ thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đối với vaccine có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định rằng, nếu không sàng lọc kỹ, trẻ tiềm ẩn bệnh tật thì việc tiêm vaccin cũng sẽ làm tăng phản ứng, khiến bệnh càng nặng thêm. Trong khi đó, việc khám sàng lọc của các bác sĩ chỉ bằng nghe tim phổi, đo nhiệt độ, hỏi về tiền sử bệnh tật của trẻ...
Làm sao có thể “đọc” được bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi hay đơn giản là sốt xuất huyết? Những đứa trẻ vừa sinh ra, cha mẹ cũng khó nắm được “tiền sử” bệnh của trẻ. Làm sao biết, “bóng ma” Quivaxem đang chực chờ bệnh lý “trùng hợp” để gây ra những cái chết “ngẫu nhiên”.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã bỏ vaccine thế hệ cũ có thành phần ho gà toàn tế bào như Quivaxem, để bảo vệ thế hệ con em của họ được tốt hơn, tránh những phản ứng không đáng có. Việt Nam lại khăng khăng bảo vệ Quinvaxem bằng mọi cách. Cho dù phản ứng sau tiêm xảy ra liên tục. Cho dù trong vòng 2 năm gần đây đã có hơn chục trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem. Có phải vì nghèo, vì đó là vaccine “xin” được nên vẫn phải dùng?
Bộ Y tế đã khẳng định, chương trình tiêm chủng mở rộng đã thanh toán loại trừ được nhiều bệnh hiểm nghèo, cứu sống, cứu khỏe mạnh hàng triệu đứa trẻ, giảm được gánh nặng bệnh tật, giảm được chi phí y tế. Số tiền tiết kiệm được sẽ là hàng nghìn nghìn tỷ đồng. Vậy lẽ nào, những đứa trẻ - tương lai của đất nước không đáng để được Nhà nước đầu tư nhiều hơn 20.000 đồng cho mỗi mũi tiêm Quinvaxem hiện nay?