Ngày 13/12, luật sư bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) đã có đơn đề nghị gửi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc sử dụng các hồ sơ, tài liệu trong vụ án.
Trước đó, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín có đơn gửi tới TAND TP.HCM, có văn bản kiến nghị đến Bộ Công an, UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính về giải mật một số hồ sơ, tài liệu mật trong vụ án nhằm phục vụ cho việc xét xử.
Ông Nguyễn Hữu Tín.
Ngày 11/11/2019, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn số 10528/VP-NCPC gửi đến Sở Tư pháp TP.HCM và Công an TP.HCM – Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước tại TP.HCM, giao 2 cơ quan này nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP.HCM về việc giải mật hồ sơ, tài liệu mật trong vụ án.
Tuy nhiên, đến nay, TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng các luật sư chưa nhận được văn bản thống nhất cách sử sụng tài liệu mật trong hồ sơ vụ án.
Nhằm tránh những hiểu lầm mà luật sư có thể bị truy cứu về hành vi làm lộ bí mật nhà nước xảy ra trong quá trình sử dụng tài liệu, hồ sơ vụ án và đảm bảo cho việc tuân thủ đúng đắn các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, luật sư bào chữa cho ông Tín đề nghị Chánh án TAND Tối cao có phương án giải quyết cho phép luật sư được sử dụng các hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong hồ sơ vụ án để đảm bảo vụ án được giải quyết một cách đúng đắn, toàn diện, khách quan, công bằng và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.
Liên quan tới vấn đề giải mật, luật sư bào chữa cho bị can Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) có đơn kiến nghị gửi tới ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Luật sư bào chữa cho ông Kiệt cho rằng hiện nay TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng việc giải mật vẫn chưa có quyết định chính thức từ UBND TP.HCM khiến cho người bào chữa và những người tham gia tố tụng lúng túng đối với những nội dung thuộc các công văn mật.
Các tài liệu mật trong vụ án là chứng cứ hết sức quan trọng phải được xét hỏi công khai tại phiên tòa thì mới đánh giá khách quan về vụ án.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng quyết định giải mật ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xét xử sơ thẩm nên không thể chậm trễ. Trong trường hợp về việc giải mật không được giải quyết hoặc giải quyết sau thời điểm mở phiên tòa thì buộc phải phải ngưng để chờ quyết định của UBND TP.HCM.
Theo dự kiến, ngày 26/12, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị can Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm.
Nguyễn Hữu Tín bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM làm chủ tọa phiên tòa và đại diện Viện KSND TP.HCM tham dự phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND Tối cao là ông Nguyễn Đức Bằng, ông Ngô Phạm Việt và bà Lê Thị Đông.
Để làm rõ các tình tiết trong vụ án, HĐXX quyết định triệu tập nhiều cá nhân và pháp nhân tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo 09, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, Ban Vật giá – Sở Tài chính TP.HCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế quận 1, Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79…