Chủ trương có từ sớm
Năm 1992, Thường trực T.Ư Hội NDVN ban hành Chỉ thị số 449-CT/HNDTW chỉ đạo các cấp Hội không chỉ xây dựng và củng cố chi, tổ hội trên địa bàn dân cư mà còn phải xây dựng chi, tổ hội theo nghề nghiệp. Việc này nhằm tập hợp đông đảo nông dân sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, nghề khác nhau tại nông thôn vào Hội. Đây không chỉ thể hiện quan điểm của T.Ư Hội NDVN trong việc thực hiện Nghị quyết 8B (khóa VI) của BCH T.Ư Đảng “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” mà còn là sự đột phá của Hội NDVN nhằm mang lại quyền lợi thiết thực cho nông dân khi họ trở thành hội viên của Hội.
Kiểm tra chất lượng ếch nuôi tại tổ hội ấp Kinh Bích, xã Tân Ninh (huyện Tân Thạnh, Tiền Giang). Ảnh: K.D
"Chi, tổ hội nghề nghiệp hướng nông dân sản xuất tập trung, tạo điều kiện giúp hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt. Hội viên trong các chi, tổ hội nghề nghiệp được Hội hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi, Quỹ HTND... để phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Bà Hoàng Thị Bích Hằng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Nai |
Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần), cố Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN (khóa II) nhiều lần giải thích lý do vì sao phải tập hợp nông dân vào chi, tổ hội theo nghề nghiệp: “Chi, tổ hội theo nghề nghiệp là tiền đề để thu hút đông đảo nông dân vào Hội, hướng dẫn nông dân hình thành các hình thức hợp tác từ thấp lên cao, tiến tới xây dựng hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn do Hội ND làm nòng cốt”.
Đích thân cố Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Văn Chính đã bám nhiều ngày ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về chi, tổ hội nghề nghiệp. Ban Thường vụ Hội ND TP.HCM chọn huyện Củ Chi - nơi có nghề đan lát mây - tre - lá và chăn nuôi bò sữa để triển khai Chỉ thị số 499 - CT/HNDTW. Nhờ đó, chi hội nghề đan lát mây - tre - lá ở xã Thái Mỹ do chị Nguyễn Thị Huých làm Chi hội trưởng không chỉ tập hợp đông nông dân tham gia tổ viên tổ đan lát mây - tre - lá xuất khẩu có việc làm và thu nhập ổn định.
Sau một thời gian phát triển, chi hội đan lát ở xã Thái Mỹ nâng lên thành HTX mây - tre - lá xuất khẩu nổi tiếng ở TP.HCM. Hội ND xã Bình Mỹ của huyện Củ Chi hình thành tổ hội chăn nuôi bò sữa. Có tổ hội, nông dân nuôi bò sữa được tập huấn cơ bản từ kỹ thuật chăm sóc bò đến kiến thức vắt sữa và bảo quản sản phẩm.
Ở ấp Phước An, xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) tổ hội nuôi ba ba trở thành tổ hợp tác nuôi ba ba thu hút gần 40 hộ thành viên tham gia, được Quỹ HTND T.Ư hỗ trợ giúp các thành viên của tổ hợp tác vay 500 triệu đồng đầu tư nghề nuôi ba ba xuất khẩu.
Kế thừa và phát huy
Ngày 23/6/2016, Ban thường vụ T.Ư Hội NDVN tiếp tục ban hành Đề án số 24 về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”. Điểm mới của Đề án số 24 - ĐA/HNDTW là chỉ ra khá cụ thể từ số lượng hội viên ở tổ hội, chi hội đến quy trình thành lập, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ hội nghề nghiệp và chi hội nghề nghiệp cũng như vai trò của Hội ND cơ sở đối với hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, những người chuyên sống bằng nghề chăn nuôi (gia súc, gia cầm) khó có thể sinh hoạt cùng với những nông dân chuyên trồng lúa, trồng cây ăn trái... Một khi có chi, tổ hội nghề nghiệp, người làm nghề tiểu thủ công cũng được tham gia sinh hoạt Hội. Trên cơ sở hoạt động của chi, tổ hội gắn với địa bàn dân cư, thông qua chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND sẽ chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến hội viên, nông dân.
Sau 3 năm thực hiện Đề án số 24, hoạt động Hội ở nhiều địa phương đã có những bước phát triển mới về chất. Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) năm 2017 - 2018 thành lập được tổ hội chăn nuôi gà thả vườn có 13 thành viên tham gia và tổ hội đan lát mây tre có 21 thành viên. Bà Nguyễn Ngọc Loan - Chủ tịch Hội ND xã Phước Ninh chia sẻ: “Tổ hội theo nghề nghiệp có tác dụng giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm ứng dụng KHKT, đề ra phương án sản xuất, kinh doanh, tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho hội viên”.
Giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang, chi hội nông dân ấp King Bích, xã Tân Ninh hình thành tổ hội nuôi ếch Thái Lan thu hút hơn 10 hộ nông dân tham gia. Nhờ có tổ hội nuôi ếch, Ngân hàng Chính sách xã hội thuận lợi giải ngân vốn ưu đãi cho nông dân.
Thực hiện Đề án số 24, Hội ND tỉnh Đồng Nai lấy huyện Long Thành và huyện Xuân Lộc làm điểm. Mỗi huyện ở 2 địa phương này lại chọn từ 1 - 3 cơ sở Hội để xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Huyện Long Thành, thành lập chi hội trồng lúa nước ở xã Long Phước, còn huyện Xuân Lộc thành lập 3 chi hội nghề nghiệp trồng cây điều ở xã Xuân Tâm; sản xuất, tiêu thụ tàu hũ ky ở xã Xuân Hiệp và sản xuất, tiêu thụ cây kiểng (cảnh) bonsai ở thị trấn Gia Ray.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh Đồng Nai còn chỉ đạo các Hội ND huyện, thị, thành phố trong tỉnh mỗi nơi chọn 1 cơ sở Hội xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.