Dân Việt

Xử đại án AVG, luật sư nói gì về “chính sách hình sự đặc biệt”?

Hoà Nguyễn 16/12/2019 07:35 GMT+7
Sáng nay (16/12), Toà án nhân dân TP.Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm liên quan đến sai phạm trong thương vụ mua bán cổ phần Công ty AVG. Cơ quan điều tra đề nghị có “chính sách hình sự đặc biệt” cho bị cáo Phạm Nhật Vũ.

Trong vụ án hình sự liên quan đến việc Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được đưa ra xét xử vào hôm nay, bị cáo Phạm Nhật Vũ – cựu chủ tịch Công ty AVG bị truy tố tội Đưa hối lộ.

Bị can này đã đưa hối lộ cho ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT, ông này đã bị xoá tư cách Bộ trưởng) 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn – cựu Bộ trưởng TT&TT 200 nghìn USD cùng 2 bị can khác trong vụ án là Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone) 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải (nguyên Tổng giám đốc Mobifone) 500.000 USD.

Trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, giữa 2 bên là Mobifone và AVG đã thực hiện việc huỷ hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần và số tiền này cơ bản do cựu chủ tịch Công ty AVG Phạm Nhật Vũ nộp trả MobiFone. Theo cơ quan điều tra, Phạm Nhật Vũ sẽ được đề nghị áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” khi lượng hình tuyên án. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, pháp luật Việt Nam từ trước đến nay không có quy định về “chính sách hình sự đặc biệt”.

Luật sư Cường phân tích, nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc pháp chế, theo đó mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tư tưởng “Lễ nghi không tới thứ dân - Hình phạt không tới trượng phu...” trong thời kỳ phong kiến hoàn toàn được xóa bỏ đối với Pháp luật xã hội chủ nghĩa.

img

Mobifone và AVG thực hiện việc huỷ chuyển nhượng cổ phần chỉ trước 11 ngày khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra quá trình mua bán, lộ cả loạt sai phạm.

Chính sách hình sự được hiểu đơn giản là những tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Nội dung của chính sách hình sự được thể hiện trong các văn bản của đảng, trong hiến pháp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong đó cơ bản thể hiện trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành án hình sự...

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự (thể hiện nội dung của chính sách hình sự) là nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nội dung này được quy định tại điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Chính sách xét xử hình sự luôn thể hiện hai đặc tính cơ bản là Khoan hồng và Nghiêm trị, luôn kết hợp hài hòa những yếu tố này trong một bản án hình sự cụ thể. Trong đó, khoan hồng với đối tượng nào, nghiêm trị với đối tượng nào thì phải trên cơ sở nguyên tắc đã được quy định tại điều 3 của Bộ luật hình sự nêu trên.

Trong vụ án có đồng phạm, cũng cần thực hiện nguyên tắc là cá biệt hóa vai trò đồng phạm trong đó những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố, chống đối, tái phạm nguy hiểm sẽ bị xử lý nghiêm minh còn những đối tượng thực hiện với vai trò giúp sức, thứ yếu, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo thì sẽ bị áp dụng chế tài ít nghiêm khắc hơn, thể hiện tính chất khoan hồng của pháp luật.

Ngoài ra, vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng cho biết, về nguyên tắc trong tố tụng hình sự, kết luận của cơ quan điều tra cũng như bản cáo trạng, bản luận tội của Viện kiểm sát chỉ là cơ sở để tòa án xét xử vụ án hình sự chứ không phải là yếu tố quyết định đến kết quả giải quyết vụ án hình sự.

Trường hợp cơ quan điều tra và viện kiểm sát đề nghị tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng quá trình xét xử kết quả cho thấy những yêu cầu, đề nghị của cơ quan điều tra, viện kiểm sát không có căn cứ thì tòa án cũng có quyền không chấp nhận, quyết định bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và mức hình phạt ra sao.

Tóm lại, tòa án sẽ quyết định trên cơ sở áp dụng các quy định của pháp luật, tuân thủ trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự, thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà.

Tuy vậy, nhìn vào thực tế của vụ án, việc áp dụng rất nhiều tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng từ Đảng và Nhà nước đối với bị can Vũ là cần thiết bởi đây là vụ án được đánh giá đi vào "lịch sử ngành tư pháp" khi lần đầu tiên làm rõ được mọi hành vi hối lộ đồng thời khắc phục hậu quả triệt để cho Nhà nước (bao gồm khoảng 8.900 tỷ đồng và số tiền lãi suất).

Nếu không có sự thành khẩn khai báo, hợp tác và chủ động cung cấp các tài liệu liên quan của Phạm Nhật Vũ, cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể làm rõ được tội "Nhận hối lộ" của các ông Son, Tuấn và đồng phạm.

Bên cạnh đó, ông Vũ còn có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện, hoạt động Phật giáo…, các cơ quan điều tra, truy tố cũng coi đây là các tình tiết giảm nhẹ đáng được ghi nhận của bị cáo này.