Dân Việt

Nhiều nơi "mất tích" từ lâu, đến đây nhà nào cũng có thứ nặng nề này

Xuân Lam 21/12/2019 07:00 GMT+7
Tại xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa (tỉnh Cao Bằng) nơi có 78 hộ dân sinh sống thì có đến 80% hộ dân có cối xay đá trong gia đình.

Chiếc cối xay đá đặt bên hiên nhà hay góc bếp tại gia đình ở các xóm, bản vùng cao trở thành một hình ảnh quen thuộc mang đậm nét về sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Mỗi vòng xoay của cối đá cũng như vòng xoay của đời người, gợi lên nhịp sống thanh bình, yên ả, sâu lắng tình người ở vùng cao xưa và nay.

img

Người dân xóm Đông Sằng, xã Quang Trung (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) sử dụng cối xay đá để xay ngô.

Thời kỳ trước, khi chưa có điện lưới và các loại máy nghiền bột, máy xay xát gạo thì người dân đều chế biến lương thực, thực phẩm chủ yếu bằng những chiếc cối đá. Chiếc cối đá từng là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, bởi nó gắn liền với sinh hoạt hằng ngày.

Có nhà có đến vài ba chiếc cối đá với đủ kích cỡ to nhỏ khác nhau, mỗi loại cũng có một công dụng riêng biệt. Ký ức thời ấu thơ của nhiều thế hệ gắn liền với tiếng xay quen thuộc, vui tai. Cối xay đá gắn bó trong đời sống nên rất được coi trọng, sau khi sử dụng xong luôn được lau rửa sạch sẽ, gọn gàng.

Người lớn hay trẻ nhỏ đều không được phép ngồi vào cối xay. Mỗi dịp lễ, tết, mọi người quây quần cùng nhau bên cối xay giúp nhau xay gạo hay bột làm bánh, nhà nào không có cối đến xay nhờ nhà kia…Do đó, cối xay đá trở thành hình ảnh đoàn kết, gắn bó cũng như nét đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc tại các làng quê vùng cao.

Cấu tạo của cối xay đá khá đơn giản, gồm 2 thớt đá được làm bằng đá nguyên khối, đục hoàn toàn bằng thủ công. Phần mặt thớt đá đặt chồng lên nhau thì được đục lỗi lõm tạo nên các rãnh như răng cưa để khi xay khớp nhau.

Cấu tạo khá đơn giản nhưng các cối đá đều rất bền có thể tồn tại đến hàng trăm năm bởi khối đá để dùng làm cối được lựa chọn rất kỹ và phải đạt yêu cầu về độ cứng, mặt phẳng mịn.

Nếu đá không phẳng, xù xì khi xay những vụn đá nhỏ li ti của cối đá sẽ rớt xuống làm hỏng thực phẩm. Ví thế, một tảng đá rất to nhưng có khi chỉ có một khối đá đạt yêu cầu. Hiện nay, máy móc hiện diện ở hầu hết các làng quê với máy gặt đập, máy xay, máy xát gạo thì vai trò thiết yếu của những chiếc cối đá không còn nữa nhưng nó vẫn có chỗ đứng nhất định trong nhịp sống hiện tại, nhất là tại các xóm, bản vùng cao.

img

Bên hiên nhà sàn của các gia đình tại xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) luôn đặt chiếc cối xay đá.

Loại cối xay đá đại hầu như không còn nhưng loại cối đá kích thước vừa phải, rộng khoảng 60 - 80 cm vẫn được sử dụng rất nhiều. Tại xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) nơi có 78 hộ dân sinh sống thì có đến 80% hộ dân có cối xay đá trong gia đình.

Bà Đinh Thị Hà, 68 tuổi, xóm Bản Giuồng chia sẻ: Bây giờ đã có máy xay xát bằng điện nên chúng tôi không phải vất vả xay gạo bằng cối đá nữa. Nhưng khi làm các loại bánh (bánh gai, bánh dày, bánh rán, bánh trôi…) vào dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Bảy hay các dịp lễ hội trong năm thì sử dụng cối xay bằng đá vì giữ được hương vị bánh thơm ngon, bột tươi và mịn hơn.

Lớp trẻ hôm nay, nhất là tại các trung tâm thành phố nhìn chiếc cối xay đá với ánh mắt ngạc nhiên vì không còn là hình ảnh quen thuộc nữa mà chỉ còn bắt gặp trong một số bảo tàng, khu di tích lưu giữ để trưng bày. Nhưng tại các xóm, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay những chiếc cối xay đá vẫn được người dân lưu giữ và sử dụng.

Bởi vì những chiếc cối xay đá giữ một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày nên một số gia đình vẫn lưu giữ lại như một “nhân chứng”, một phần ký ức trong mỗi cuộc đời của các thế hệ trong gia đình.Người dân vùng cao ở Cao Bằng có câu “Một đời cối đá bằng ba đời người” cho thấy sự hiện diện bền bỉ, trường tồn của cối xay đá trong đời sống, sinh hoạt cũng như vòng đời của họ.