Tin này không lạ ở tỷ lệ 20,8% suy dinh dưỡng, cho dù, nó gấp đôi so với thành thị.
Nhớ hồi nhà báo Trần Đăng Tuấn - người khởi xướng “Chương trình Cơm có Thịt” làm hồ sơ xin lập Quỹ Cơm có Thịt, có người, và là người có trách nhiệm, đã cắc cớ hỏi ông vì sao lại là cơm có thịt...
Câu trả lời nằm ngay trong bức thư ngỏ của ông Tuấn gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT: Lên vùng cao, chúng tôi không chỉ nhìn, mà còn ghi hình lại nhiều cảnh ăn uống của học sinh. Có đủ mọi cảnh: 1-Có những học sinh buổi trưa nhịn ăn vì không có gì mang theo đến lớp. Có những bé mầm non đến bữa thì cô giáo phải “véo” từ các nắm cơm của các em khác dồn lại để cho cháu ăn. 2- Có những học sinh không ăn cơm, mà ăn bí, ăn củ. 3- Học sinh có đủ cơm ăn, nhưng thức ăn là măng, muối riềng, muối ớt. 4- Học sinh ăn cơm có chút thức ăn mang từ nhà là chút cá khô hay thi thoảng (rất hiếm) có miếng thịt.
Ở miền núi, thường niên là những bữa cơm “tự kỷ” với vài ba miếng bí ngô, mấy miếng măng chua. Ở miền núi, có những đứa trẻ săn bắt chuột để ăn, trước khi quên hẳn mùi vị của 1 miếng thịt.
Ở miền núi, những đứa trẻ bụng ỏng đít beo với nhúm cơm đựng trong túi nylon trường kỳ chan nước muối. Không thiếu những đứa trẻ không có thậm chí cơm để mà ăn, khi cả quá khứ, hiện tại, tương lai của cả gia đình trông cả vào yến gạo cứu trợ hàng tháng, dăm con cua móc dưới suối, vài đọt chuối rừng.
Nhưng câu chuyện suy dinh dưỡng của trẻ em, thuộc về phạm trù miếng cơm manh áo đang chỉ phản ánh một thực tế là tình trạng thiếu đói, đang không thiếu phổ biến ở nông thôn và miền núi. Cần nhắc lại rằng trong năm 2012, có hơn 1 triệu lượt đồng bào thiếu đói. Chính xác là 1.911,8 lượt nhân khẩu (theo Tổng cục Thống kê). Thiếu đói, cho dù Chính phủ đã cấp 22,6 nghìn tấn lương thực và 24,4 tỷ đồng để cứu đói.
Ở nông thôn, ở miền núi, tình trạng “nghèo tuyệt đối” bao giờ cũng được mô tả bắt đầu bằng việc thiếu ăn, thiếu ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, mù chữ, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Cái nghèo ở nông thôn, ở miền núi, là những cái nghèo vật lý, nghèo thô thiển khi miếng thịt cũng là hãn hữu trong mỗi bữa ăn, thậm chí, thiếu cả thành tố tối thiểu làm nên bữa cơm của người Việt là cơm.
Có lẽ, tiếng chuông báo động về tình trạng suy dinh dưỡng chỉ có thể bắt đầu chấm dứt khi mà mỗi cuối năm, khi hân hoan báo cáo thành tích xuất khẩu gạo, chúng ta cũng có thể tự hào nói rằng: Ở Việt Nam, không có một người dân nào thiếu đói.
Phong Dao