Dân Việt

Vụ Mobifone-AVG: Mấu chốt vụ án chính là “truy vết 3 triệu USD”

Hòa Nguyễn 16/12/2019 07:52 GMT+7
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong vụ án liên quan đến việc Mobifone mua 95% cổ phần Công ty AVG, nếu không làm rõ được 3 triệu USD mà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận đang ở đâu, vụ án không thể kết thúc với những kết quả thoả đáng.

Cụ thể, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, mọi chứng cứ, tình tiết của vụ án phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa. Kết quả giải quyết vụ án là kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, tất cả các chứng cứ đều phải được kiểm tra, đánh giá, tranh luận công khai, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự như nguyên tắc chứng minh tội phạm, Nguyên tắc xác định sự thật, nguyên tắc suy đoán vô tội...

Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận, số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD đã đưa cho con gái. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, con gái ông Son không thừa nhận điều này nên cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận sai phạm của người này cũng như không đề cập xử lý thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với số tiền này.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

img

 Trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, việc làm rõ 3 triệu USD của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đang ở đâu là rất quan trọng. (ảnh: internet)

Theo luật sư Cường, tòa án sẽ làm rõ sự thật của vụ án là con gái ông Nguyễn Bắc Son có nhận, sử dụng số tiền đó không. Trong trường hợp người này biết số tiền là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ sẽ bị xử lý hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời có trách nhiệm giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận từ ông Nguyễn Bắc Son nêu trên. Trường hợp kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cho thấy người phụ nữ này không nhận số tiền trên thì phải làm rõ số tiền mà ông Son phạm tội mà có đang ở đâu, ai đang cất giữ, quản lý có hành vi rửa tiền hay không, có đồng phạm hoặc người khác phạm tội khác hay không thì mới giải quyết vụ án một cách triệt để được.

“Nếu không rõ được tình tiết này thì vụ án không thể kết thúc và không thể có kết luận thỏa đáng. Tình tiết này rất quan trọng, không chỉ liên quan đến yếu tố bỏ lọt tội phạm mà còn liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng” - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.

Ông Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: 
Chỉ có chính sách khoan hồng!
“Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định nào về “chính sách hình sự đặc biệt”, chỉ có chính sách khoan hồng. Trong các vụ án án tham nhũng, nếu người phạm tội đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, thành khẩn khai báo thì được hưởng chính sách khoan hồng trong khuôn khổ pháp luật. 
Việc dùng từ “chính sách hình sự đặc biệt” trong vụ việc Mobifone mua AVG cho vài trường hợp có liên quan là không ổn, dễ gây hiểu nhầm chỉ được áp dụng cho Phạm Nhật Vũ và ông Trương Minh Tuấn… Đây là điều ta cần rút kinh nghiệm, bảo đảm sử dùng từ ngữ một cách chính xác, đúng thuật ngữ pháp luật”.


Thứ trưởng Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc: 
Phạm Nhật Vũ rất tích cực hợp tác
“Nói về chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam, các quy định được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể để ghi nhận sự hợp tác của những người có hành vi phạm tội đối với việc khai báo cũng như việc khắc phục tội phạm. Chính sách này chỉ được áp dụng với những người đã rất tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ án, trong trường hợp này là bị can Phạm Nhật Vũ”.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội: 
Cơ quan điều tra làm được việc “cực khó”
“Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã làm rõ được hành vi nhận hối lộ gây sửng sốt trong dư luận. Một vị cựu Bộ trưởng thừa nhận nhận hàng triệu USD sau quá trình giúp sức cho thương vụ mua bán thành công. Phải nói rằng, cơ quan điều tra đã làm được việc cực khó, bởi việc đấu tranh, làm rõ được hành vi nhận hối lộ trong các vụ án tham nhũng là rất khó. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu không làm rõ được số tiền hàng triệu USD mà ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ đang ở đâu thì vẫn còn bất cập trong việc giải quyết án tham nhũng. Việc này phải chờ các diễn biến từ phiên toà sơ thẩm, theo quy định, toà sẽ làm rõ những việc này”.
Phạm Hiệp (ghi)