Dân Việt

Bình Dương “khoan sức doanh nghiệp”, làm nông thôn mới

Trần Đáng 22/12/2019 12:32 GMT+7
Với nguồn kinh phí đầu tư cho nông thôn mới (NTM) còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu theo đề án được duyệt, 10 năm qua, tỉnh Bình Dương phải khoan sức doanh nghiệp để thực hiện Chương trình NTM.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bình Dương, các nguồn lực được huy động tốt để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn.

Chung tay làm NTM

img

  Lãnh đạo Trung ương và địa phương thăm gian hàng trưng bày dưa lưới của HTX Kim Long tại hội nghị 10 năm NTM tỉnh Bình Dương.  Ảnh: T.Đ

Tình Bình Dương dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 là hơn 10.574 triệu đồng, trong đó vốn doanh nghiệp hơn 1.400.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 13,41%).

Đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết, tham gia thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn, công ty đã làm tốt các công việc như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, hoạt động xã hội, tiêu thụ mủ cao su tiểu điền…

Cụ thể, công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, đường nội bộ với 130km, giặm vá đất cấp phối hơn 25.160m3. Đặc biệt, 10 năm qua,  công ty đã đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ mủ cao su cho nông dân trên dịa bàn với tổng số hơn 77.000 tấn, tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bàu Bàng) Nguyễn Hồng Quyết, cùng chung sức xây dựng Chương trình NTM trên địa bàn, HTX đã thực hiện tốt công việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn tại địa phương. Hiện, HTX này đang tạo công ăn, việc làm cho 60 lao động, với mức lương 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. “Chúng tôi luôn nhận thức cao phong trào chung sức xây dựng NTM tại địa phương. Thế mạnh của HTX là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm tăng thu nhập cho bà con, phát triển HTX” - anh Quyết thổ lộ.

Ông Đoàn Minh Chiến - Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến chia sẻ, sau 10 năm cả hệ thống chính trị và người dân nỗ lực xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương “đã đạt những thành quả to lớn, diện mạo nông thôn sáng sủa, khởi sắc”. Góp phần cùng xây dựng NTM trên địa bàn, trang trại của ông Chiến không chỉ tổ chức thu mua, tạo đầu ra cho nông sản của nông dân, mà còn với bà con  góp tiền, góp sức nhựa hóa 8km đường nông thôn.

Phát huy hết nội lực tạo nguồn vốn

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bình Dương cho biết, nguồn vốn thực hiện Chương trình NTM của tỉnh không có bố trí vốn riêng, chủ yếu là vốn lồng ghép. Việc huy động nguồn lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và các nguồn khác chưa được cập nhật đầy đủ nên chưa thể hiện được vai trò đóng góp của các nguồn lực xã hội.

Xác định xây dựng NTM theo phương châm “phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí và các chính sách hướng dẫn”, Ban chỉ đạo các huyện, Ban quản lý các xã vận động nhân dân góp vốn xây dựng NTM trên tinh thần tự nguyện.

Cũng theo Văn phòng Điều phối NTM, tỉnh Bình Dương chưa phát huy hết nội lực của địa phương về tạo nguồn vốn xây dựng NTM, nhất là các nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho rằng, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của các huyện, thị xã, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách như: Nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất y tế... Song song với việc xây dựng mới, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông, cảnh quan môi trường trong các khu dân cư nông thôn để xây dựng môi trường sống văn minh, xanh, sạch, đẹp trong thời gian tới.