Dân Việt

Chủ nhà Philippines “vơ vét” HCV, SEA Games 31 ở Việt Nam có như vậy?

Đông Hưng (tổng hợp) 18/12/2019 19:10 GMT+7
Truyền thông và nhiều NHM thể thao tại Đông Nam Á lo ngại, kỳ SEA Games 31 tới đây, chủ nhà Việt Nam sẽ lại giống như Philippines, cố gắng vơ vét huy chương bằng những môn “lạ” hoặc dung túng trọng tài xử ép. Trước vấn đề này, ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, đã lên tiếng.

Philippines không phải là một nền thể thao mạnh tại Đông Nam Á. Bằng chứng là tại SEA Games 29, họ chỉ có 24 HCV; SEA Games 28 là 29 HCV; SEA Games 27 cũng có 29 HCV; SEA Games 26 là 37 HCV; SEA Games 25 là 38 HCV; còn SEA Games 24 đạt 41 HCV. Tuy nhiên, tới kỳ SEA Games 30, khi là nước chủ nhà, đoàn thể thao Philippines đã thể hiện sự vượt trội trên BXH huy chương, khi đoạt tổng cộng 149 HCV, nhiều hơn 51 HCV so với đoàn xếp thứ 2 là Việt Nam.

img

Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

Tại SEA Games 30 vừa kết thúc, mặc dù đã đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất và cố gắng tạo ra một kỳ đại hội hoành tráng, thế nhưng nước chủ nhà Philippines cũng bị chỉ trích rất nhiều vì cố tình đưa các môn thể thao “lạ” vào để vơ vét huy chương hoặc dung túng cho các trọng tài xử ép nhằm giúp các VĐV của mình có lợi thế khi đối đầu với các VĐV nước khác.

“Nói có sách, mách có chứng”, ở môn Arnis (võ gậy truyền thống Philippines), chủ nhà giành 12 HCV trên 20 bộ huy chương. Rồi họ giành trọn vẹn 6 bộ HCV ở môn Obstacle Course (vượt chướng ngại vật). Bên cạnh đó, nước chủ nhà còn cố tình bỏ đi những nội dung hay hạng cân thi đấu không có khả năng tranh chấp ở những môn khác... Hình ảnh VĐV các nước bật khóc vì những quyết định thiếu công bằng của trọng tài xuất hiện đầy rẫy, có người thậm chí còn bỏ về mà không thèm lên bục nhận huy chương...

Kỳ SEA Games 31 tới đây, Việt Nam sẽ là chủ nhà. Truyền thông và nhiều NHM thể thao tại Đông Nam Á lo ngại, chúng ta sẽ giống như Philippines, làm mọi cách để vơ vét huy chương và tạo ra một kỳ đại hội có nhiều vết gợn nữa. Trước vấn đề này, ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, đã lên tiếng.

“SEA Games 31 tại Việt Nam sẽ tập trung tổ chức các môn trong hệ thống Olympic. Trong đó, điền kinh và bơi lội chúng tôi sẽ tổ chức đầy đủ các nội dung thi đấu dù có VĐV tranh tài hay không. Công tác trọng tài, chuyên môn sẽ được chúng tôi đặc biệt lưu ý. Chúng tôi sẽ ra một sân chơi công bằng, sòng phẳng, để lại hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế. Không có chuyện sẽ đưa nhiều môn thể thao ở nhóm 3 vào để lấy nhiều huy chương”, ông Phấn nói.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhận xét dù công tác tổ chức vừa qua của Philippines vẫn còn nhiều hạn chế, xuất phát từ việc thời gian chuẩn bị của họ quá ít, tuy nhiên có một điểm mà Việt Nam có thể sẽ thua kém khi đăng cai đại hội.

“Tất cả tình nguyện viên, lãnh đạo… nói chung con người Philippines rất nhiệt tình, vui vẻ, không thái độ với bất kỳ ai. Đây là điều mà Việt Nam chúng ta chuẩn bị đăng cai phải học hỏi. Hạn chế lớn nhất của chúng ta là trình độ ngoại ngữ. Mỗi người dân của họ đều nói tiếng Anh rất giỏi, đều này chúng ta khó bằng được”, ông Phấn chia sẻ.

Box: SEA Games 31 dự kiến sẽ được diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021. Địa điểm tổ chức chính ở Hà Nội và một số địa phương lân cận. Cụ thể như: Hải Phòng tổ chức môn rowing, canoeing; Bắc Ninh tổ chức môn quyền Anh, wushu; Hải Dương tổ chức môn bóng bàn, pencak silat, golf; Hòa Bình tổ chức môn xe đạp; Quảng Ninh tổ chức môn bóng chuyền…

SEA Games 31 dự kiến sẽ có 36 môn tranh tài, trong đó số môn trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD sẽ chiếm khoảng 2/3 tổng số môn. Các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một vài môn khác theo thông lệ, nhưng tổng số môn thi đấu sẽ không vượt quá 40.