Nằm cách trung tâm Hà Nội 45 km về hướng Nam, làng may Vân Từ ngày nay vẫn sầm uất, nhộn nhịp với 9 thôn và 1 khu dân cư mới với những cửa hàng may tấp nập kẻ buôn, người bán. Về đến làng may mới biết nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh ngôi làng đặc biệt này.
Làng Cựu cổ 700 năm
Được sự chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã Vân Từ, Nguyễn Ngọc Dương chúng tôi về làng Cựu, đây được coi là ngôi làng cổ có từ lâu đời, là nơi xuất phát với nghề may comple, veston truyền thống, sau phát triển lân sang các làng khác. Làng Cựu, hay còn gọi là Cựu cổ, cách UBND xã Vân Từ chỉ chừng 700 m. Ngay đầu làng là ngôi chùa cổ kính có từ lâu đời.
Nếp nhà thuần Việt tại làng Cựu (nơi phát tích nghề may Vân Từ).
Bác Tự, ngoài 70 tuổi (được coi là người chép sử của làng), sống một mình trong căn nhà với lối kiến trúc thuần Việt, 3 gian 2 chái với vườn cây hoa lá sum sê. Cũng giống như đồng chí Chủ tịch xã Vân Từ nhắc đến làng Cựu cổ, bác Tự trầm ngâm, nén sự buồn rầu nói: Làng Cựu cổ có lối kiến trúc vô cùng độc đáo, chia làm 2 kiểu, lối kiến trúc nhà thuần Việt và biệt thự cổ của Pháp có cách nay trải qua mấy thập kỉ, giờ nhiều ngôi nhà bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trong làng có rất nhiều nhà không có người ở, khóa cửa bỏ không để đấy từ nhiều năm nay.
Bác Tự cho biết nhiều đoàn khảo sát nghiên cứu về đây như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, hay Tổng cục Du lịch... tới làng rất nhiều lần để tìm ra giải pháp trùng tu tôn tạo lại những ngôi nhà đã bị xuống cấp. Nhưng hiện nay tất cả mới chỉ nằm trong kế hoạch, chưa được đi vào thực tiễn.
Làng Cựu quả thật vô cùng khác biệt so với các ngôi làng khác vì lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp. Đi từ đầu làng vào trong trên con đường cái quan, chúng tôi được ngắm những ngôi nhà cổ có tự lâu đời, xen lẫn với những ngôi nhà cổ kính mang tính thuần Việt ấy lại là những ngôi biệt thự thời Pháp thuộc.
Nhưng, tiếc thay nhiều ngôi biệt thự trải qua bao mưa nắng thời gian giờ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, rải rác có nhiều ngôi biệt thự bị bỏ hoang, với cánh cửa sắt hoen gỉ khóa trái, cây cối, cỏ lau ngút ngàn vì không có ai ở.
Một xưởng may ở làng Vân Từ.
Tại sao ở giữa làng quê trù phú với nghề may mặc lại có những ngôi nhà thuần Việt và cả biệt thự Tây thời Pháp thuộc ngày xưa là một câu chuyện dài. Ông tổ nghề may comple, veston của xã Vân Từ theo gia phả tại làng còn giữ được thì xuất thân từ làng Cựu.
Làng Cựu ngày nay hay làng Vân Hoàng ngày xưa là một thôn được hình thành cách đây 700 năm, từ ông tổ dòng họ Trần. Từ thời xa xưa, vùng này là đồng quê chiêm trũng, sông nước mênh mang, người qua kẻ lại, phương tiện di chuyển chủ yếu là trên những con thuyền. Ông tổ dòng họ Trần là một người nơi khác di cư đến và làm nghề đánh bắt cá, về đây lập ấp hình thành làng, sống quần tụ.
Cùng với dòng họ Trần, tiếp đến sau này còn có họ Chu, họ Nguyễn, họ Dương, họ Bùi. Từ đây hình thành một dải đất bên bờ sông Nhuệ. Hiện nay trong làng vẫn còn nguyên 5 nhà thờ họ chính của làng Cựu.
Từ những năm xa xưa, làng Cựu chỉ có nghề canh tác nông nghiệp và nghề đánh bắt cá. Cuộc sống của các gia đình sinh hoạt trong những ngôi nhà tranh vách đất, lợp lá cọ.
Tổ nghề may comple, veston
Đầu thế kỉ thứ XX, làng Cựu toàn những ngôi nhà lợp lá sau một đêm bị cháy rụi thiêu hủy đi mất nửa làng. Cũng trong thời gian này, vào đầu những năm 1930, có hai người trong làng được cử đi sang Pháp học nghề may Âu phục, sau khi học xong quay trở về quê hương bản quán và phát triển nghề may. Dần dà, người dân làng Cựu quen với nghề may, họ lấy nghề này làm kế sinh nhai.
Cuối những năm 1930 của thế kỉ trước, làng Cựu đã nức tiếng xa gần với nghề may Âu phục, may đồ Tây. Không chỉ phát triển tại quê nhà, những người con của làng lên khu phố cổ ở Thủ đô để lập nghiệp. Phố cổ Hà Nội lúc đấy bắt đầu manh nha hình thành nhiều nhà may của người xuất thân từ làng Cựu.
Làng Cựu nhờ có nghề may Âu phục nên đời sống khấm khá, dư dả, điều này đã thay đổi bộ mặt của ngôi làng cổ. Ngay từ cuối thập niên 30, nhiều gia đình đã bắt đầu nghĩ đến chuyện xây nhà biệt thự Pháp. Họ thuê thợ trên Hà Nội về thiết kế, xây dựng. Chẳng mấy chốc mà ngôi làng trở nên vô cùng sinh động với 2 lối kiến trúc: kiến trúc cổ thuần Việt và kiến trúc biệt thự Pháp. |
Bước sang thập niên những năm 1940-1950 biển hiệu may của làng ngay tại quê nhà hay do con cháu đi xa thường có hai chữ Phú và Phúc, như Phú Mỹ, Phú Hải, Phú Cường... Phúc Thành, Phúc Thịnh, Phúc Mỹ... Theo lời của bác Tự, cho đến tận bây giờ còn cửa hàng Phú Cường ở phố Hàng Trống là còn giữ lại nếp xưa, tên cũ (qua 4 đời làm nghề may). Còn đa phần là đã thay tên đổi chủ hết cả rồi.
Ngay kể cả nhà biệt thự Pháp, các cụ vẫn giữ “đất lề quê thói”, những tinh hoa kiến trúc Việt cổ được đưa vào thiết kế. Điển hình là dù nhà Tây cao 2-3 tầng ở cửa vẫn có những câu đối bằng cổ tự. Những hình con dơi (tượng trưng cho Phúc) và con cá chép (tượng trưng cho Phú) tinh xảo, sắc nét đều xuất hiện trong kiến trúc nhà Tây.
Nhờ có thu nhập cao mà các gia đình trong làng đã nghĩ đến việc xây trường học và nhà hộ sinh, làm đường. Năm 1943, nhờ sự đóng góp kinh phí của cả làng mà ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ra đời.
Đây cũng là ngôi trường dạy tiếng Pháp cho học sinh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 người làng Cựu vẫn giữ nghề may và từ năm 1954 đến năm 1960, chủ trương nhà nước là làm công ty hợp doanh. Công ty Bông vải sợi Hà Nội, tiền thân của Xí nghiệp may Thăng Long có nhiều người làng Cựu ra thành phố làm việc trong xí nghiệp này.
Suốt những năm 1960-1970 trường Huỳnh Thúc Kháng được dành cho học sinh cấp I và II là con em trong làng và các tỉnh lân cận. Sau này, có một giai đoạn, ngôi trường trở thành kho của hợp tác xã. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi trường khi xưa nay là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng Cựu.
Ngôi trường nằm ngay giữa làng, phía trước là hồ nhỏ, xung quanh ngôi trường bao bọc bởi những ngôi nhà với kiến trúc cổ trầm mặc mưa nắng thời gian.
Sau này, những ngôi biệt thự Tây được chia cho nhiều hộ gia đình sinh sống. Có những nhà 6-7 hộ gia đình sống quần tụ trong một căn biệt thư, chơi chung một mảnh vườn, một cái sân. Theo lời bác Tự, người gắn bó nhiều đời tại làng Cựu, đến khi căn nhà bị xuống cấp thì mạnh ai nấy sửa nên vẻ đẹp nguyên sơ của căn biệt thự ít nhiều bị mất đi dáng vẻ ban đầu, phá vỡ nét kiến trúc phương Tây.
Tuy nhiên, cho đến nay còn rất nhiều căn khóa cửa để đấy không có ai sinh sống, cỏ dại mọc hoang ngút ngàn, trong vườn ếch nhái kêu râm ran. Đã lâu lắm không có ai ở, có khi trong đám lau sậy rậm rạp ấy cũng đầy rắn, rết...
Ông Tự, “người chép sử” của làng Cựu.
Ngày nay, người làng Cựu tản mát đi nhiều nơi, người ra nước ngoài sinh sống, người lên thành phố lập nghiệp, làng Cựu giờ lại trở thành địa điểm văn hóa du lịch. Các cơ quan báo đài về quay phim, chụp ảnh. Nhiều bộ phim muốn lấy bối cảnh của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ lại tìm đến làng Cựu.
Làng Cựu ngày nay vẫn còn rất nhiều gia đình theo nghề may Âu phục truyền thống. Có lẽ, tiếng cắt vải xoèn xoẹt, tiếng lạch xạch của chiếc máy may nghe quen tai đã ăn sâu tiềm thức của người dân làng Cựu. Những gian nhà chất đống đồ may, xếp tầng tầng lớp lớp, những cuộn vải mới cao chất ngất trong một gian nhà là những điều người ta hay bắt gặp khi đi vào làng Cựu.
Bác Tự cũng cho biết nhờ có nghề may Âu phục mà người làng Cựu chưa lúc nào kinh tế bị rơi vào đói nghèo, xóa đi những mối lo cho xã về hộ nghèo và hộ cận nghèo. Con cháu làng Cựu cũng chăm chỉ theo nghề ông cha, không phải cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương như ở các vùng nông thôn khác ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, mà siêng năng kế thừa truyền thống may mặc của tổ tông, ông bà trong gia đình.
Loay hoay làng du lịch Tinh hoa Việt
Chủ tịch UBND xã Vân Từ - Nguyễn Ngọc Dương nói về nghề may, ông cho biết: Nghề may truyền thống của Vân Từ phát triển mạnh vào những năm 90 của thế kỉ trước. May áo gió xuất khẩu sang Đông Âu, còn may comple thì được đưa lên các nhà may trên nội thành. Bây giờ các hộ gia đình mua vải về tự cắt thành sản phẩm xong đi chào bán các tỉnh thành. Hiện nay nghề may Vân Từ xuất khấu ra nước ngoài rất ít, chủ yếu cung cấp trong thị trường nội địa là chính.
Quy mô nghề may cũng phát triển theo từng hộ gia đình, năm 2015 UBND xã đã có quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch không gian diện tích để làm điểm du lịch làng nghề và ở đó khi đã kêu gọi được đầu tư xã hội hóa vào đây rồi thì sẽ có trung tâm để giới thiệu sản phẩm làng nghề. Các hộ làng nghề thì sẽ tập trung. Hiện nay quy hoạch đang được phê duyệt, đang kêu gọi đầu tư, việc này đã được làm từ 4-5 năm nay rồi.
Vì quy hoạch này không được lấy từ nguồn ngân sách kinh phí nhà nước mà lấy từ nguồn xã hội hóa. Theo Chủ tịch UBND xã Vân Từ, làng nghề hiện nay còn gặp phải những khó khăn bất cập, như làng nghề phải là nơi khách du lịch, khách hàng đến tham quan sản phẩm, trưng bày sản phẩm.
Các hộ làng nghề ra đấy để tập trung người ta làm vừa đảm bảo được an toàn, vệ sinh nhưng xã vẫn chưa có nguồn kinh phí xây dựng, chưa có nơi để tham quan đúng nghĩa. Trong hộ gia đình, mọi người vừa ăn ở, vừa làm. Và đầu ra sản phẩm chủ yếu ở thị trường nội địa.
Việc xây dựng thương hiệu UBND xã đang phối hợp cùng huyện và Sở Công thương xây dựng thương hiệu. Hiện tại, thương hiệu chung thì chưa có mà chỉ có thương hiệu ở các gia đình riêng lẻ của các hộ. Cho đến thời điểm này cả xã chỉ còn lại 2 cụ nghệ nhân, còn đa phần các cụ đã mất vì tuổi cao, sức yếu.
Theo Chủ tịch UBND xã Vân Từ: Khách du lịch từ khắp nơi đổ về đây khá đông, không phải tò mò bởi nghề may truyền thống của xã mà họ háo hức đổ xô đến làng Cựu vì nơi này vẫn còn lưu dấu đậm nét 2 lối kiến trúc nhà Việt cổ và biệt thự của Pháp. Trải qua thăng trầm biến thiên của thời gian, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mối mọt ăn, trường vôi tróc lở, mái dột...
Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết thêm: Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng nhiều cơ quan đoàn thể cũng đã về để tìm giải pháp cứu lấy ngôi làng có kiến trúc cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí rót về nên các ngôi nhà vẫn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. |