Dân Việt

Khoa học và công nghệ thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp

K.L 17/12/2019 16:30 GMT+7
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của phát triển kinh tế nước nhà, nông nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sản xuất manh mún, biến đổi khí hậu cực đoan, dịch bệnh và hội nhập kinh tế quốc tế,… Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vì thế đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với người nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tế này, Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN. Trong nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết Trung ương 7 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá...”.

 img

Mô hình chăn nuôi công nghệ cao tại Đông Anh, Hà Nội

Nhờ áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng, thời gian chọn tạo giống cây trồng mới đã giảm xuống còn từ 3-5 năm, thay vì 7-10 năm như trước đây, nên trung bình hàng năm Bộ NN&PTNT đã công nhận hàng chục giống mới/năm. Từ đó nhanh chóng gia tăng diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt. Hiện nay cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới và KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của nông sản. Năm 2017, Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 36,37 tỷ USD. Năm 2019, ước đạt 41,3 tỷ USD.

 img

 img

 img

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành tựu Khoa học&Công nghệ tại các địa phương.

Việc nghiên cứu, xây dựng các tiến bộ kỹ thuật mới, đã có 203 tiến bộ kỹ thuật mới (TBKT) được công nhận, bao gồm lĩnh vực Trồng trọt công nhận 94 TBKT; lĩnh vực chăn nuôi - thú ý 56 TBKT; lĩnh vực thủy lợi 30 TBKT; lĩnh vực Thủy sản 9 TBKT và Lâm nghiệp 51 TBKT.

Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này.

Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai một số chính sách hỗ trợ về giống để tạo điều kiện cho nông dân được sử dụng giống tốt, giống đúng chất lượng, như: Hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống đầu dòng theo Quyết định số 2194/QĐTTg ngày 25/12/2009; Chương trình hỗ trợ lưu giữ giống gốc vật nuôi; hỗ trợ khuyến nông và chuyển giao khoa học công nghệ theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018…

Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh giống để tăng cạnh tranh về giá, về chất lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, để đảm bảo giống tốt cung cấp cho người dân. Nhờ vậy, nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi và thủy sản chất lượng được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Riêng đối với ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ đạo các Viện trực thuộc nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, như 10 giống lúa, giống cây ăn quả (Măng Cụt, Bưởi, Cam, Xoài…), giống cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh...

Về hỗ trợ giá giống: Bên cạnh đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ nhập nội nguồn gen, giống mới có năng suất, chất lượng mà trong nước chưa có hoặc còn thiếu; nhập công nghệ mới, tiên tiến về sản xuất giống hỗ trợ 1 lần đến 50% chi phí sản xuất giống gốc, đầu dòng, siêu nguyên chủng, giống cụ kỵ, giống ông bà, giống bố mẹ đối với giống lai, đến 30% chi phí sản xuất giống lai cần khuyến khích.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nổi bật, công tác nghiên cứu chọn tạo giống trong nước vẫn còn hạn chế về thiếu tính cạnh, một số giống gia súc, gia cầm được chọn lọc tiêu tốn thức ăn còn cao hơn so với một số nước trên thế giới, chưa chủ động được hoàn toàn giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ và tôm sú. Nhu cầu về giống hàng năm rất lớn (600-700 ngàn tấn giống lúa; 1,2-1,4 tỷ cây giống lâm nghiệp; 300 triệu gà giống; 3-3,5 tỷ con cá tra; 200-250 tỷ con 17 tôm…); trong khi các Viện, Doanh nghiệp, Trung tâm giống mới chỉ đáp ứng được một phần.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao các giống mới, thúc đẩy nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất chất lượng cao, chống chịu tốt; làm chủ và phát triển công nghệ chọn tạo giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất giống sạch bệnh đối với một số giống thuỷ sản chủ lực (tôm, cá); chọn tạo các giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh cao. Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Chương trình “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2020.