Xã Bách Thuận trước đây là xã thuộc diện khó khăn của huyện Vũ Thư. Khi chưa đắp đê, toàn bộ diện tích đất canh tác của xã bị ngập úng trong thời gian dài, ngoài trồng lúa, người dân không trồng được loại hoa màu nào khác.
Ông Miễn bên vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng của mình. |
Thuê thợ giỏi về dạy nghề
Năm 1998 khi có đê ngăn nước ngập úng, nghề trồng cây cảnh ở xã bắt đầu phát triển. Ông Trịnh Xuân Hiểu - Chủ tịch Hội ND xã Bách Thuận cho hay: Trước đây, ngoài hai vụ lúa thời gian còn lại bà con không biết làm gì. Khi một số người đi các vùng khác học đem nghề làm cây cảnh về, thấy hiệu quả cao, bà con trong xã đua nhau trồng cây cảnh. Hiện, xã có 2.700 hộ thì tới 90% số hộ theo làm cây cảnh, trong đó gần 500 hộ có vườn cây cảnh trị giá từ 500 triệu đến vài tỷ đồng".
Ông Hiểu cho biết thêm, tổng thu nhập năm 2011 từ cây cảnh chiếm 40% tổng thu ngân sách địa phương, GDP năm 2011 là 27 triệu đồng/người. Trên 50% số hộ trong xã thuộc diện khá, giàu, nhiều gia đình mua được ô tô đời mới, xe tải chuyên dụng phục vụ chuyên chở hàng hóa nhờ nghề trồng cây cảnh.
Theo ông Hiểu, xã vẫn chưa mở được lớp dạy nghề nào chuyên đào tạo về kỹ thuật trông cây cảnh, mà chủ yếu người đi trước truyền đạt lại cho người đi sau. Để làm nghề, một số hộ thuê thợ giỏi về dạy tạo thế cây cảnh. Sắp tới, Hội Sinh vật cảnh sẽ tổ chức dạy nghề trồng cây cảnh cho ND một cách bài bản. Đồng thời xã sẽ liên kết với một số tỉnh khác trong cả nước để tạo điều kiện cho bà con giao lưu học hỏi kỹ thuật ươm, trồng, cắt, tỉa, ghép và chăm sóc cây cảnh, tìm hướng đưa cây cảnh Bách Thuận xuất khẩu.
Những tỷ phú
Ông Phạm Xuân Miễn (82 tuổi, thôn Bách Tính) là một trong những người đi tiên phong trong nghề trồng cây cảnh ở xã. Năm 1986, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.000m2 đất trồng cây ăn quả sang trồng cây cảnh. "Lúc đó cả xã chưa có ai dám phá cả vườn cây ăn quả để trồng cây cảnh, đây là quyết định mạo hiểm nhưng đã mang lại cho tôi và gia đình một cuộc sống đầy đủ"- ông Miễn nhớ lại.
Ông Miễn còn vào tận miền Trung, miền Nam, thậm chí sang nước bạn Lào, Campuchia đi tìm mua những cây cảnh quý hiếm mang về địa phương trưng bày và buôn. Hiện trong vườn nhà ông có trên 500 cây cảnh với rất nhiều chủng loại, kích cỡ, tuổi tác, cây đắt giá nhất là 800 triệu đến 1 tỷ đồng, cây lâu năm nhất là 40 năm. Năm 2011 ông Miễn thu được hơn 1 tỷ đồng nhờ bán cây cảnh.
Khi xã có phong trào trồng cây cảnh thì gia đình ông Miễn là địa chỉ uy tín để bà con trong xã đến để mua giống và học hỏi kinh nghiệm: "Bằng những kiến thức, kinh nghiệm qua nhiều năm trồng cây cảnh, tôi chia sẻ cho mọi người".
Ông Trịnh Xuân Hiểu
Rót nước mời khách, anh Nguyễn Văn Trọng (thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận) tâm sự: "Nhà tôi trươc đây chỉ làm ruộng và có mảnh vườn trồng cây ăn quả, làm đến đâu ăn hết đến đó, thấy cây cảnh trồng không vất vả như làm ruộng, tôi quyết định đầu tư mua giống cây của những người đã thành công với nghề này trong xã để trồng. Ban đầu, tôi chưa biết nhiều về kỹ thuật nên cây bán không được giá cao, sau này trong xã có nhiều hộ cũng theo nghề này nên chỉ bảo cho nhau cách trồng, tạo thế để bán được giá cao hơn. Năm 2011, nhà tôi thu hơn 800 triệu đồng từ bán cây cảnh".
Anh Trọng cho hay để có được một cây cảnh đẹp rất khó, đòi hỏi vừa có trí tưởng tượng, con mắt thẩm mỹ, vừa phải kiên trì, công phu, tỉ mỉ. Qua bàn tay của "nghệ nhân", những cây "bồm", cây "xấu", cây "vô thế", "vô dáng" đã trở thành những cây có giá trị.
Trang Lê