Dân Việt

Điều tra: Sự gian dối phía sau bữa ăn của trẻ mầm non

Quang Thành - Văn Ngọc 19/12/2019 08:29 GMT+7
Phía sau tập hồ sơ pháp lý “đẹp đẽ” cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phụ huynh của hàng trăm trẻ mầm non trên địa bàn TP Hà Nội đâu thể ngờ rằng mỗi sáng nhà cung cấp lại dạo một vòng các chợ đầu mối gom thực phẩm chế biến suất ăn cho trẻ.

Clip: Thực phẩm cho nhiều trường mầm non được nhà cung cấp đi gom từ chợ đầu mối, thay vì các đối tác nêu trong hồ sơ năng lực 

LTS: Hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong môi trường giáo dục gần đây đang trở thành tâm điểm của dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là sự dối trá của các công ty cung cấp thực phẩm, sự chủ quan của nhà trường và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên sự dối trá không vì thế mà dừng lại. Loạt bài của Báo Dân Việt sẽ vạch trần những góc khuất của việc cung cấp thực phẩm vào trường học.

Tìm suất ăn cho trẻ từ … chợ đầu mối

Trong vai nhà thầu mới gia nhập “thị trường” cung cấp suất ăn trường học, PV Dân Việt tìm cách làm quen với các đầu mối cung cấp thực phẩm trên địa bàn TP. Sau nhiều thời gian, chúng tôi được một người từng đứng chân trong lĩnh vực này tiết lộ: “Làm món này mà đi mua rau Vietgap hay thịt gà, thịt lợn sạch trong trang trại thì có nước ăn cám. Ra chợ mà hỏi!”.

img

Chợ đầu mối Minh Khai được các đối tác cung cấp thực phẩm trường học tìm đến, thay vì những điểm cung cấp trong hồ sơ năng lực.

Chúng tôi được chỉ đến gặp S “trọc” – một tay đổ mối hàng rau củ quả có tiếng ở các chợ đầu mối phía bắc. Một đêm tháng 11, chúng tôi hẹn được S ở chợ đầu mối Minh Khai (TP Hà Nội).

Rít xong hơi thuốc để xua đi giá lạnh đầu đông lúc nửa đêm, S thủng thẳng: “Thấy chị nhà nói chú đang kiếm hàng cung cấp cho nhà hàng, trường học? Nhà anh đang cấp cho mấy công ty thực phẩm, họ chuyên đi đổ vào các trường. Vất vả lắm chú ạ, mọi người đi ngủ thì lúc vợ chồng anh bắt đầu ngày làm việc, 23 giờ đêm đã phải có mặt tại chợ, chiến đấu cho đến tận 12 giờ trưa hôm sau”.

Công việc chính của hai vợ chồng S “trọc” là thu mua hàng tại các chợ đầu mối lớn rồi đổ buôn cho các mối tại các chợ Phùng Khoang, Minh Khai. 

Quăng bịch rau trên vai xuống đất, S tiếp lời: “Cách đây vài năm họ nhắn tin mặt hàng và số lượng từ hôm trước sau đó mình mang đến kho cho họ, nhưng gần đây họ có xe đến thu mua tận chợ, mình chỉ cần mang ra xe cho họ thôi. Chú tính nếu không có các mối như vậy mà bán lẻ thì sao sống được, dân mình họ ăn mấy”.

“Anh ơi, em cấp vào các trường họ đòi phải chứng minh nguồn gốc thực phẩm, mình có cái đấy không anh?” – chúng tôi vờ ngờ nghệch hỏi.

S phá lên cười: “Chú có bị hâm không, hàng ở các nơi đổ về cứ chỗ nào rẻ mình nhập chứ ai cần biết nguồn gốc xuất xứ, cả hàng trong nước lẫn từ Trung Quốc. Kể cả các công ty đổ vào trường học cũng đâu đòi hỏi giấy tờ. Nếu cần giấy tờ phải đến các vùng rau an toàn, cơ sở nuôi chế biến đàng hoàng, nhưng giá đắt lắm gấp mấy lần cơ, chú chịu nổi không? Không ai dại mà nhập ở đấy đâu, mà cũng không đủ số lượng để cung cấp cho các bố”.

S “trọc” châm vội điếu thuốc khác rồi hứa sẽ có người “chỉ dẫn” đàng hoàng cách đưa thực phẩm trôi nổi từ chợ vào trường học.

"Mánh" hợp thức hóa bữa ăn trường học

S “trọc” kéo tay tôi qua cổng chợ Minh Khai chỉ về phía đối diện bên đường: “Chú thấy con xe đông lạnh kia chưa, biển số 29C – 411.27 xe này chuyên nhặt rau củ ở đây rồi chuyển cho các trường đấy, mỗi sáng nhập 2 chuyến, tất cả hàng làm gì có giấy tờ”.

img

Xe tải biển số 29C – 411.27 chất đầy rau củ gom tại chợ.

Để chứng minh những hiểu biết của mình và để khách tin tưởng lấy hàng S giới thiệu chúng tôi với một người tên A: “Em gái anh làm quản lý cho một trường mầm non, trước đây cũng mở công ty cung cấp thực phẩm cho một số trường, nhưng ít trường nhập quá nên bỏ qua làm quản lý cho họ”.

Sau khi có lời giới thiệu của S, người phụ nữ tên A hé lộ với chúng tôi những “chiêu” hợp thức hóa thực phẩm không nguồn gốc thành “bữa ăn chất lượng” trong bếp ăn học đường.

“Thông thường các công ty cung cấp thực phẩm sạch cho trường học sẽ ký hợp đồng với bên thứ 3 nhằm hợp thức hoá giấy tờ. Bên thứ 3 là các đơn vị cung cấp thực phẩm có nguồn gốc đàng hoàng, anh có thể mỗi ngày nhập một lượng nhỏ để lấy hoá đơn. Còn lại nhập ở các chợ đầu mối hoặc các hộ gia đình giết mổ gia súc gia cầm. Thực phẩm không có giấy tờ mới rẻ hơn rất nhiều, lợi nhuận cao” – A mở lời hướng dẫn chúng tôi.

Khoảng gần 30 tuổi nhưng A tỏ ra rất am hiểu về đường đi của thực phẩm đến nhiều trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội.

“Không dám khẳng định tất cả nhưng em chắc 80% đến 90% các trường mầm non ngoài công lập thường chỉ nhập 20% tại các công ty cung cấp thực phẩm sạch còn lại 80% là mua tại các chợ gần trường. Ngay đối với 20% đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường, cũng chưa chắc đã là thực phẩm sạch” – A đưa ra nhận định sau quãng thời gian tham gia làm đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường học.

Theo A, tất cả vì lợi nhuận, nhà cung cấp thực phẩm cho trường mà lấy nguồn ở những nơi có điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, đương nhiên chi phí sẽ đội lên.

“Một vài trường em biết mỗi tuần họ chỉ nhập thực phẩm từ công ty vào 2 ngày, anh có thể đến những trường đó xin hoá đơn là biết ngay, nhưng phải khéo vì thường công ty thực phẩm họ sẽ cung cấp phiếu khống chỉ có dấu cho trường. Sau đó trường tự phân phối lượng thực phẩm theo thực đơn hàng ngày và in ra phòng trường hợp các cơ quan đến kiểm tra” – A tiếp tục chỉ dẫn cho chúng tôi.

img

Tờ A4 có đóng sẵn dấu do Công ty thực phẩm cung cấp cho các trường, công ty và trường nào cũng vậy, một tờ này sẽ được cắt ra thành 3 hoá đơn theo hàng dọc, sau đó trường sẽ tự lên thực đơn hàng ngày và in vào.

Để giải thích thêm, A lục trong cặp hồ sơ đưa cho chúng tôi một tờ A4 màu xanh trong đó đã đóng sẵn 3 dấu theo hàng ngang.

A chỉ tay vào tờ A4 bảo: “Đây là do công ty thực phẩm cung cấp cho các trường, công ty và trường nào cũng vậy, một tờ này sẽ được cắt ra thành 3 hoá đơn theo hàng dọc, sau đó trường sẽ tự lên thực đơn hàng ngày và in vào”.

Từ những thông tin thu thập ở chợ đầu mối Minh Khai, chúng tôi đã tìm ra một đơn vị cung cấp thực phẩm vào hàng chục điểm trường mầm non thực hiện theo đúng các “mánh” ở trên.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 4.534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Trong đó, khối mầm non có 3.732 bếp ăn tập thể, tiểu học có 535; trung học cơ sở; trung học phổ thông 67. Số trường học tự nấu ăn là 4.024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 (bao gồm 263 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 152 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường). 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất bếp ăn vào các khung giờ khác nhau cũng như các nhà cung cấp thực phẩm. Sở cũng đề nghị các trường kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không đảm bảo.

Trắng đêm đi chợ gom hàng chế biến suất ăn cho trẻ

Sau nhiều đêm theo sát (từ tháng 11 đến giữa tháng 12/2019), PV ghi nhận khoảng 2h30 mỗi sáng, xe thùng BKS 29C – 411.27 đến chợ đầu mối Minh Khai (Phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm TP Hà Nội).  Thông thường, một đôi nam nữ mở của xe đi thẳng vào cổng chợ gọi hàng. Ít phút sau, nườm nượp các thợ bốc vác liên tục bê vác nhiều bịch to nhỏ đầy rau, củ xếp lên thùng xe tải.

img

Xe tải biển số 29C - 41127 đầy ắp hàng vừa thu gom từ chợ.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ, chiếc xe tải đã được chất đầy các loại rau củ và di chuyển ra khỏi chợ Minh Khai. Trong chợ xe ô tô mang biển kiểm soát 29D – 094.59 chất đầy gà cũng bắt đầu di chuyển.

Cùng khoảng thời gian trên xe ô tô mang biển kiểm soát 29D – 128.44 sau khi gom hoa quả đầy xe trên chợ đầu mối Long Biên cũng bắt đầu di chuyển.

img

Xe ô tô mang biển kiểm soát 29D – 128.44 sau khi gom hoa quả đầy xe trên chợ đầu mối Long Biên.

Khoảng 3h30 những chiếc xe kể trên di chuyển về kho của Công ty Cổ phần đầu tư My Way tại khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại đây, một số nhân viên đã có mặt tại kho đưa thực phẩm rời khỏi xe tải, vận chuyển vào bên trong.

img

Một số nhân viên đã có mặt tại kho đưa thực phẩm rời khỏi xe tải, vận chuyển vào bên trong.

Tiếp đó, khoảng 5h30 sau khi đã phân loại, thực phẩm được chất đầy lên khoảng 20 xe máy. Những chiếc xe máy này cùng lúc chạy vận chuyển đến nhiều trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội.

PV đã đi theo những nhân viên “giao hàng” này đến nhiều điểm trường mầm non. Điều đáng ngạc nhiên là các nhân viên này chỉ đặt thực phẩm trước cổng trường, không có hoạt động ký giao nhận diễn ra.

Ví dụ như, khi rời khỏi kho của công ty, một nhân viên giao hàng đã di chuyển bằng xe máy đến trường mầm non Sun Academy (Học viện mặt trời) tại đường Trung Yên 11, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây nhân viên giao hàng xách 2 bọc nilon đựng thực phẩm để tại sảnh của trường sau đó bỏ đi mà không hề xuất hiện người của trường kiểm tra thực phẩm hay hoá đơn. Hành động này lặp đi lặp lại tại nhiều trường mầm non mà nhà cung cấp thực phẩm của My Way vận chuyển thực phẩm.

img

Nhân viên giao hàng để thực phẩm tại sảnh của trường Sun Academy sau đó bỏ đi mà không hề xuất hiện người của trường kiểm tra thực phẩm hay hoá đơn.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP My Way đã ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm với hàng chục điểm trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, …

Đồng thời, trong hồ sơ năng lực đơn vị này cũng nêu tên nhiều đối tác cung cấp các loại thực phẩm. Vậy nhưng, mỗi đêm những chiếc xe thùng lại đi gom thực phẩm ở các chợ đầu mối.

Trong khi đó, hợp đồng của Công ty CP My Way ký với trường nêu rõ: “Thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, dịch bệnh... không chứa các chất gây hại đến người tiêu dùng theo quy định của Bộ Y Tế”.

Nhưng trên thực tế PV Dân Việt ghi nhận, thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học của My Way là hàng chợ. Việc “đánh tráo” thực phẩm từ giấy tờ có nguồn gốc thành loại hàng chợ có ai kiểm soát? Bữa ăn của trẻ mầm non ở hàng chục trường trên địa bàn TP Hà Nội có ai giám sát, kiểm tra chất lượng?

Tháng 3/2019, Bộ GDĐT đã ra văn bản đề nghị các UBND tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.

Trước đó, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường học có tổ chức ăn bán trú và có căng tin trong nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm đối với nhân viên, người làm việc tại nhà ăn, căng tin, nhà bếp, kho chứa thực phẩm, các trang thiết bị bảo quản chế biến thực phẩm.

 Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.