Dân Việt

Lời dặn của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp với mặt trận Hà Nội trước ngày Toàn quốc kháng chiến

Lê Tiên Long 19/12/2019 13:16 GMT+7
Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã dặn dò các chiến sĩ quyết tử Hà Nội: "Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra".

img

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, năm 1947 (Ảnh tư liệu BTLSQG).

Trong cuốn sách "Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường" của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (Đại tá Kiều Bách Tuấn và Trung úy Bùi Thu Hương thực hiện, NXB QĐND, 2006) đã ghi lại không khí khẩn trương của quân và dân Hà Nội trong những ngày từ cuối tháng 11/1946 đến thời điểm nổ ra cuộc chiến, đêm 19/12.

Theo đó, từ ngày 21/11 đến 15/12/1946, giặc Pháp đã gây ra 47 vụ khiêu khích làm chết 15 người, bị thương 41 người và nhiều nhà bị phá huỷ. Ngày 16/12 ở Hải Phòng. bọn trùm thực dân Pháp ở Đông Dương là d'Argenlieu, Valluy, Molière, Sainteny họp lần cuối cùng bàn kế hoạch cụ thể để đánh úp Hà Nội và toả ra xâm chiếm các vùng khác. 

Cùng ngày hôm đó, tại Ngã Tư Sở, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã nghe Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị lần cuối cùng. Sau khi duyệt kế hoạch, đồng chí Võ Nguyên Giáp với thái độ thận trọng và kiên quyết, căn dặn Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội:

"Phải hết sức tỉnh táo, hết sức kỷ luật đề phòng sự khiêu khích. Nếu quân Pháp trở mặt đánh ta thì chiến đấu phải hết sức ngoan cường. Vận dụng chiến thuật phải hết sức linh hoạt, nhưng phải bảo tồn lực lượng”.

Sau khi nhận chỉ thị của cấp trên, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận lại tiếp tục đi động viên nhân dân, các đơn vị dân quân tự vệ và bộ đội. Các đồng chí Đảng ủy viên trực tiếp tới chi bộ cơ sở để truyền đạt quyết tâm. Chính trị ủy viên Trần Độ cho biết, chi bộ đầu tiên của bộ đội ở thủ đô Hà Nội có hơn mười đảng viên. 

Cuộc họp lần thứ nhất được đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng trực tiếp tới dự. Đến khi chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội thì số lượng đảng viên mỗi khu có một chi bộ, nhiều nhất là 32 đồng chí, ít nhất là 6. Lúc đó, các đảng viên đều biểu lộ đạo đức cộng sản cao quý của mình, tận tuỵ, gương mẫu, dũng cảm làm đầu tàu lôi cuốn quần chúng. Quần chúng kính yêu Đảng và tin tưởng vô bờ bến vào sự lãnh đạo của Đảng.

img

Chiến sĩ Quyết tử thuộc Tiểu đoàn 102, Khu Đông Thành, 1946. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Tại đình làng Mọc Quan Nhân, các chiến sĩ quyết tử đứng trước bàn thờ Tổ quốc, trước cờ đỏ sao vàng chói lọi, trước chân dung Bác Hồ, nắm chắc tay giơ lên xin thề: "Quyết sống chết với thủ đô", "Quyết tử để bảo vệ Tổ quốc", "Thà chết quyết không chịu làm nô lệ". Tiếng hát quốc ca hùng tráng và lời thề đanh thép của những chiến sĩ quyết tử trẻ tuổi đã vang mãi mãi trong tâm trí mọi người và đã củng cố quyết tâm, tăng thêm niềm tin sắt đá cho Bộ chỉ huy mặt trận. Ở Bắc Bộ phủ, sau khi đội quyết tử làm lễ tuyên thệ, một số công chức cũ và nhân dân đã thì thầm rằng: "Quyết tử quân làm lễ tế sống, những người như thế không bao giờ họ chết”.

Bộ chỉ huy mặt trận cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp tới pháo đài Láng thăm các khẩu đội. Đồng chí Đôn, chỉ huy pháo binh cho biết là không có phương tiện đo đạc tính toán, anh em khắc phục bằng cách vẽ một vòng tròn chia độ vào một tấm bìa rồi đặt vào bản đồ lấy hướng bắn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tươi cười căn dặn: "Các đồng chí cố gắng nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn nữa và khi cần thiết phải hạ nòng pháo xuống bắn thẳng vào quân địch. Nhưng phải luôn luôn chú ý giữ gìn bảo vệ vũ khí".

Trước lúc đồng chí Tổng chỉ huy ra về, Bộ chỉ huy mặt trận hứa hẹn quyết tâm thực hiện ba điều:

- Kiên quyết chiến đấu giam chân địch tại Hà Nội một thời gian.

- Vừa chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng lực lượng.

- Bền bỉ hoạt động nhỏ, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận địch.

Đồng chí Tổng chỉ huy siết chặt tay từng người và nhấn mạnh: "Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra".

Ngày 18/12 giặc Pháp lại nã súng bắn vào nhân dân phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân. 6 giờ 40 phút sáng, lính lê dương lại đến bao vây Trụ sở Công an Hàng Đậu. Hai giờ chiều, quân Pháp chiếm đóng Nha Tài chính và Trụ sở Bộ Giao thông. Đến 21 giờ 15 phút ngày 18/12, quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an và đòi kiểm soát trật tự an ninh trong thành phố. Nếu sáng 20/12 những điều kiện đó không được chấp thuận thì quân đội Pháp chuyển sang hành động.

Trước những động thái khiêu khích của quân Pháp, ngày 18/12, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội ra mệnh lệnh chuẩn bị, nói rõ: “Những sự chuẩn bị ráo riết và hành động khiêu khích ấy là một triệu chứng chúng sắp đánh úp ta thực sự. Vì danh dự của Tổ quốc, vì quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước”.

Khoảng 2 giờ chiều 19/12/1946, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội về Thái Hà Ấp (Lăng Hoàng Cao Khải, phố Tây Sơn, Hà Nội ngày nay) để nghe Bộ Tổng chỉ huy phổ biến tình hình và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tự vệ. Các đồng chí cấp trên phân tích tình hình, vạch rõ âm mưu bội ước và hành động tàn ác của giặc. Mọi người đều vô cùng phẫn uất trước thái độ hống hách, kẻ cả của bọn thực dân xâm lược. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:

- Chúng đưa tối hậu thư cho ta, bắt ta nộp vũ khí, giao quyền trị an cho chúng. Ta muốn tranh thủ hoà bình để xây dựng đất nước. Nhưng nếu giao quyền cho chúng thì Chính phủ ta nằm trong tay giặc, nó muốn diệt lúc nào thì diệt và nếu không thì sáng 20/12 chúng sẽ mở rộng những hành động quân sự với quy mô lớn, đánh úp, bắt toàn bộ cơ quan Chính phủ ta. Tất nhiên, chúng ta không thể để như vậy được.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn nói thêm:

- Vừa qua Trung ương có họp, Bác (Hồ Chủ tịch) phân tích tình hình Mỹ, Pháp và khả năng của ta. Bác giải thích rõ ràng và tỉ mỉ là cuộc kháng chiến lâu dài của ta nhất định thắng lợi. Cuối cùng Bác còn hỏi kỹ thêm về tình hình mùa màng và sinh hoạt của nhân dân. Khi biết chắc chắn năm nay được mùa, nhân dân no đủ, Bác mới an tâm.

Ngay sau đó, Bộ chỉ huy mặt trận cấp tốc triệu tập hội nghị để phổ biến tình hình nhiệm vụ cho các tiểu đoàn trưởng và cán bộ của các liên khu. Cuộc họp tiến hành tại tầng gác hai của một ngôi nhà ở sát đường cái, phía đông bắc cầu xi măng gần sân bay Bạch Mai. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ bàn bạc, mọi người đều sôi sục căm hờn, đều một lòng một dạ: "Sẵn sàng kháng chiến đến thắng lợi, kiên quyết chiến đấu bảo vệ Thủ đô".

Khoảng 6 giờ chiều, cuộc họp bế mạc. Các cán bộ, người đi xe đạp, người đi bộ toả về đơn vị. Ở các khu phố vẫn có lác đác tiếng súng khiêu khích của giặc. Trong những giờ phút vô cùng quyết liệt này, hàng vạn đồng bào đủ các giới nam, phụ, lão, ấu người cầm dao, kẻ cầm súng, rầm rập trên các đường phố tình nguyện ở lại cùng với các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ thủ đô, bảo vệ Hà Nội yêu dấu.

img

Quyết tử quân thề kiên quyết sống chết giữ vững Thủ đô, 12/1946.

Hà Nội sẵn sàng kháng chiến!

20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Nhà máy điện Yên Phụ bị phá, điện đường vụt tắt, tiếng súng kháng chiến bắt đầu nổ ra tại Hà Nội. Tiếp đó, ngày 20/12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch. Đây được coi là mệnh lệnh phát động kháng chiến và cuộc chiến tranh bắt đầu.

Thực hiện lời hứa với Hồ Chủ tịch, với Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân Thủ đô đã kiên cường cầm chân quân Pháp có sức mạnh vượt trội về vũ khí, có sự yểm trợ của xe tăng, máy bay suốt trong hai tháng, trước khi rút lui an toàn ra khỏi vòng vây của giặc.