Tào Tháo (155 - 220), tự Mạnh Đức, người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Nổi tiếng là người đa nghi, ông là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Dưới trướng Tào Tháo, nhiều tướng sĩ tài giỏi đã giúp nhà cầm quân này đánh bại được nhiều thế lực cát cứ ở phương Bắc. Dù giành được nhiều chiến thắng nhưng cho đến lúc chết Tào Tháo vẫn không thể thống nhất Trung Hoa và lên ngôi hoàng đế.
Khi còn sống, Tào Tháo mắc căn bệnh đau đầu trong suốt nhiều năm. Dù mời rất nhiều danh y đến chữa trị nhưng tất cả đều không chữa khỏi căn bệnh này cho Tào Tháo. Theo chính sử, Tào Tháo từng mời danh y Hoa Đà ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu tới chữa bệnh đau đầu cho mình.
Sau khi bắt mạch, Hoa Đà đã kê đơn thuốc cho Tào Tháo giúp căn bệnh đau đầu không còn "tác oai tác quái". Vì vậy, Tào Tháo cho giữ lại Hoa Đà trong phủ để kịp thời chữa trị nếu bệnh đau đầu tái phát.
Sau một thời gian ở bên cạnh Tào Tháo, Hoa Đà xin phép về nhà một thời gian thăm vợ bệnh. Mãi không thấy Hoa Đà trở lại nên Tào Tháo sai người về quê của danh y này điều tra sự việc.
Theo đó, người được Tào Tháo cử đi báo tin về nói rằng vợ của Hoa Đà không có bệnh. Do vậy, Tào Tháo bèn sai người bắt Hoa Đà về tra tấn để hỏi tội. Cuối cùng, Hoa Đà chết khi bị dùng hình.
Đầu năm 220, Tào Tháo tái phát bệnh đau đầu và qua đời do không tìm được phương thuốc hiệu quả như của Hoa Đà.
Thế nhưng, tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung có nhắc đến cái chết của Tào Tháo theo cách khác. Cụ thể, khi mở hộp đựng thủ cấp Quan Vũ, Tào Tháo nhìn thấy râu tóc của danh tướng này dựng đứng lên và hai mắt nhìn trừng trừng nên không khỏi khiếp sợ.
Sự việc này khiến Tào Tháo hoảng sợ đến mức tái phát bệnh đau đầu. Khi ấy, Hoa Đà được gọi đến để xem bệnh. Danh y này đề nghị bổ đầu Tào Tháo ra để phẫu thuật.
Với tính tình đa nghi, Tào Tháo nghi ngờ Hoa Đà muốn giết ông nên sai người bắt giam thần y. Cuối cùng, Hoa Đà chết trong ngục và Tào Tháo cũng qua đời không lâu sau nhìn thấy cảnh tượng rùng rợn về thủ cấp của Quan Vũ.