Dân Việt

Giải mã “thần đồng”

29/02/2012 06:49 GMT+7
(Dân Việt) - Vì sao những em bé thuở nhỏ có nhiều tài năng nhưng sau vài năm lại chỉ là đứa trẻ bình thường? Các nhà khoa học cho rằng, áp lực gia đình,bệnh tật... là những nguyên nhân khiến “thần đồng” vụt tắt.

Cần nhiều yếu tố khác để giỏi

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, cho biết: “Thực ra mỗi con người có một giai đoạn phát triển nhất định, năng lực nhất định. Chúng ta cứ nhầm tưởng khi nghĩ rằng bây giờ người đó làm tốt thì sau này sẽ làm tốt mãi mãi, các cụ ta đã nói rằng “cái quan mới định mệnh” – đóng nắp quan tài mới biết hết số phận người đó thế nào. Hiện tượng thần đồng đôi khi cũng chỉ là phát tiết nhất thời”.

img
Bé Phạm Văn Hùng (trái) ở Hoài Đức, Hà Nội được coi là thần đồng khi biết đọc năm 3 tuổi.

Cũng theo lý giải của ông Lâm, hiện tượng các em biết đọc, đếm và tính toán sớm hơn tuổi có khi là do trí nhớ có khả năng chụp chiếu lại tốt. Khi lớn lên khả năng này trở lại bình thường. Em Hoàng Thân cũng có thể được xếp vào đối tượng này.

Còn TS Nguyễn Minh Đức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu trẻ thông minh sớm (Vicer) thì cho rằng: “Nên gọi những “thần đồng” trên là trẻ có khả năng vượt trội thì chính xác hơn. Những trẻ rộ lên từ nhỏ như vậy sau này có thể không nổi trội vì để thành đạt cần nhiều yếu tố khác chứ không chỉ làm toán, đọc chữ…”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lâm cũng cho rằng, cần phải có phương pháp để phát huy những khả năng vượt trội này, giúp các em không bị nhòa dần đi.

Để làm được điều đó, TS Lâm cho rằng: “Trước hết gia đình, nhà trường, bạn bè và những người xung quanh cần phải có cái nhìn bình thường đối với các em, tránh gây áp lực cho các em, tránh kỳ vọng quá nhiều. Nhiều gia đình khi phát hiện khả năng của con còn phải giấu dư luận. Vì áp lực của dư luận đôi khi ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của một đứa trẻ, khiến các em thấy thảm hại hơn khi gặp thất bại và biết nói dối để bảo vệ hình ảnh của mình”.

Trong một nghiên cứu về giáo dục năng khiếu và tài năng tại Việt Nam, ông Kim Ngọc Minh - học viên Cao học ngành giáo dục năng khiếu và tài năng (ĐH New South Wales – Australia) lại có quan điểm: “Các em có tài năng đặc biệt nếu sống và học tập ở những môi trường bình thường rất dễ có xu hướng chán nản (thậm chí gây ra tâm lý “phá đám”) với môi trường giáo dục tẻ nhạt, chậm chạp (thậm chí “kỳ thị”) xung quanh.

Nói chung các em học sinh năng khiếu và tài năng rất dễ bị tổn thương tâm lý do sự khác biệt của mình, vì vậy các nhà chuyên môn cần lưu ý việc hỗ trợ nhu cầu tư vấn xúc cảm xã hội, bên cạnh việc tạo các cơ hội học tập đúng với khả năng và nỗ lực vượt trội của các em”.

Hỗ trợ trẻ đặc biệt

Trở lại trường hợp bé Lưu Văn Quân (ở Đông Sơn, Thanh Hoá). Từ khi cháu Quân biết đọc, anh Cương và chị Hiền (bố mẹ bé) luôn phải dành tiền để mua báo và truyện tranh cho con. Thông tin bé Quân biết đọc từ lúc 3 tuổi lan nhanh trong phố, nhiều người cho rằng đây là trường hợp thông minh đột xuất, nhưng cũng có những lời đàm tiếu ác ý của người khác về bé... Vì vậy, tâm lý chung của vợ chồng chị Hiền vô cùng lo lắng. Mặc dù gia đình có gửi thư đến nhiều nơi để hỏi ý kiến các chuyên gia, các nhà tâm lý, song vẫn chưa có hồi âm.

Chị Hiền tâm sự: “Nhiều lần, vợ chồng tôi bàn nhau đưa cháu đi bệnh viện khám tổng thể xem cụ thể cháu như thế nào, xem chỉ số IQ của cháu có bất thường so với đứa trẻ khác không, nhưng không có tiền, hơn nữa lại sợ gây ra sự hoảng loạn tâm lý cho con nên đành thôi”.

Về trường hợp này, bác sĩ Quách Thuý Minh - Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư khẳng định, nếu gia đình đưa bé tới khoa, các bác sĩ ở đây sẽ có một buổi khám tổng quát để giúp cha mẹ có định hướng về tình trạng của cháu cũng như hỗ trợ để cháu phát triển.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng bình tĩnh như anh Cương, chị Hiền, nhiều bậc cha mẹ khác khi thấy con vượt trội hơn bạn bè (hoặc khác biệt) thì không chấp nhận ai đó nói “xấu” về con mình.

img Cha mẹ đừng thấy con mình sớm biết đọc, làm toán, giỏi vẽ, giỏi nhạc hơn hẳn các bạn cùng trang lứa mà đã vội vui mừng. Một đứa trẻ không chỉ cần có tài năng mà còn cần các kỹ năng hoà nhập xã hội, kiểm soát hành vi của mình cho phù hợp với môi trường. img

Bác sĩ Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội)

Trường hợp bé M ở Hà Đông (Hà Nội) là một ví dụ. Bé 2 tuổi đã đếm số vanh vách đến 100, hơn 3 tuổi đã biết ghép chữ cái trên báo, biết tính nhẩm hai con số. Cả nhà đều rất kỳ vọng vào cậu bé và tính cho bé đi học sớm.

Thế nhưng, bé đi học một thời gian, cô giáo phản ánh bé cứ ngồi thu mình ở góc lớp, không nói, ai đến gần cũng hét lên. Thấy cô giáo có cuốn sách, cậu vồ lấy ôm khư khư, khi cô lấy lại thì cắn cô giáo. Cô giáo khuyên chị Nguyễn Thị Thủy- mẹ của bé nên cho con đi khám.

Khi chị Thuỷ lo lắng nói chuyện đó với cả nhà thì mẹ chồng chị nổi giận, cho rằng cô giáo ghen ăn tức ở với tài năng của bé, bố chồng thì cho rằng bé đi học lạ trường nên tâm lý không ổn định. Kết quả sau đó bé đi khám thì đúng là đã mắc bệnh… Những em bé như M cần được hỗ trợ đặc biệt (cả về giáo dục và tâm bệnh) để có thể phát huy được khả năng của mình. Nếu không, khả năng của trẻ sẽ nhanh chóng bị mai một.