Dân Việt

Tào Tháo cả đời 'lấy ít thắng nhiều' nhưng vì sao lại thảm bại tại Xích Bích?

Hoa Vũ 21/12/2019 09:35 GMT+7
Vốn là một thế lực có thể thống nhất thiên hạ nhưng sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo chỉ có thể đứng nhìn thiên hạ bị chia thành ba phần.

img

Tào Tháo là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất thời Tam Quốc, từng trải qua vô số trận chiến lớn nhỏ, trong đó nhiều trận chiến còn là "lấy ít thắng nhiều". Mưu sĩ số 1 của Tào Tháo là Tuân Úc từng nói: "Vì sao Thừa tướng mang quân càng ít, Viên Thiệu lại mang quân càng nhiều?". Đây chính là thể hiện sự tài hoa trong cách dùng binh của Tào Tháo.

Tào Tháo cả đời đánh 3 trận đại chiến là "dùng ít thắng nhiều". Thứ nhất là sau khi Viên Thuật xưng Đế, Tào Tháo dẫn quân dẹp loạn, dùng 15 vạn binh mã đánh thắng hơn 40 vạn quân của Viên Thuật. Lần thứ 2 chính là đại chiến Quan Độ, Tào Tháo dùng 20 vạn binh mã phá tan 70 vạn đại quân của Viên Thiệu. Lần thứ 3 chính là đại chiến với Mã Siêu, tuy ban đầu bị Mã Siêu đánh bại suýt mất mạng, nhưng cuối cùng Tào Tháo vẫn có thể chuyển bại thành thắng, dùng 8 vạn binh sĩ đánh bại 10 vạn liên quân của Mã Siêu.

img

Tuy nhiên Tào Tháo cũng có 2 lần bị người khác "lấy ít thằng nhiều" đánh bại. Đó là lần Tào Tháo ngủ với thẩm nương của Trương Tú, khiến Trương Tú tức giận, Tào Tháo chút nữa đã mất mạng tại Uyển Thành. Một lần khác chính là Tào Tháo đại bại tại Xích Bích trong chiến dịch chinh phạt phía Nam. Nếu tại Uyển Thành Tào Tháo thất bại là do bị động, vậy tại đại chiến Xích Bích vì sao Tào Tháo vẫn phải thảm bại dù cho trước đó đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho chiến dịch?

Kiêu binh tất bại

Từ sau đại chiến Quan Độ, Tào Tháo uy trấn thiên hạ, thực lực đại tăng, chỉ trong chớp mắt quân số đã phát triển gấp đôi. Ngoài ra sau khi dẫn quân xuống phía Nam, quân Tào Ngụy không tốn quá nhiều công sức đã có thể chiếm được Kinh Châu.

Tào Tháo sau đó có thêm được hơn 30 vạn tốt sĩ hàng tướng của Kinh Châu, nâng toàn thể quân đội đạt đến con số 100 vạn, có thể nói thế lực Tào Ngụy đạt đến cực thịnh, khiến Tào Tháo và các tướng sĩ dưới chướng bắt đầu chủ quan xao nhãng, cho rằng chỉ cần vượt sông là có thể thống nhất thiên hạ.

img

Chiến lược dây dưa, kéo dài

Vào giai đoạn Xích Bích, với binh lực lúc đó của Tào Tháo hoàn toàn có thể nghiền nát liên minh Tôn - Lưu, dù chia để đánh hay đánh cùng lúc thì phần thắng cũng rất lớn.

Lưu Bị lúc này nương nhờ Lưu Kỳ, đóng quân tại Giang Hạ, Giang Hạ tuy là thành phố cảng khẩu thuộc một trong 9 quận Kinh Châu, nhưng sau khi Kinh Châu bị Tào Tháo chiếm thì nơi đây chỉ là một cô thành trơ trọi. Còn Chu Du chỉ có 5 vạn quân trấn thủ ở Hạ Khẩu cùng với Lưu Bị tạo thế góc cạnh, tuy nhiên binh lực có hạn, nếu giao chiến trực tiếp với quân Tào khó mà có thể kháng cự.

Thế nhưng Tào Tháo lại lựa chọn một chiến dịch dài hơi, để rồi tiền quân dần bị dịch bệnh không thể giành được lợi thế trong những trận giao tranh nhỏ ban đầu. Đặc biệt sau đó là để Chu Du chờ được gió Đông, dùng hỏa công thiêu cháy toàn bộ đại quân, là nguyên nhân chính dẫn đến thảm bại của Tào Tháo.

img

Tin đồn liên quan đến hầu môn thiếu nữ

Lần xuất quân chinh phạt phía Nam này của Tào Tháo ngoài mục đích thống nhất thiên hạ thì còn muốn chiếm lấy Giang Đông Nhị Kiều. Nói đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Tào Tháo là hoàn toàn có cơ sở.

Trước đó, Tào Tháo đại bại tại Uyển Thành cũng vì ngủ với thẩm nương của Trương Tú. Trận Uyển Thành khiến Tào Tháo suýt mất mạng và tổn hao không ít tướng lính, khiến quân sĩ không thể không có lời oán trách, bởi suy cho cùng thân là một thống soái, nên lấy tính mạng của quân sĩ làm trọng. Chính vì thế mà lời đồn Tào Tháo muốn chiếm đoạt Giang Đông Nhị Kiều đã ít nhiều đã khiến lòng quân bất an. Một đội quân được tập hợp bởi kiêu binh, hàng binh và oán binh thì dù có đông đến đâu cũng khó có thể phát huy được hết sức mạnh để đánh trận.