Dân Việt

Thông điệp hòa bình của người lính Cụ Hồ: Tình đồng bào nơi xa xôi

Gia Tưởng 21/12/2019 10:01 GMT+7
Ở những nơi xa xôi như Cộng hòa Trung Phi vẫn có người Việt sinh sống một cách mạnh mẽ. Câu chuyện cảm động về một người phụ nữ Hà Nội sống ở Trung Phi gần 70 năm đã được những người lính Việt Nam kể lại hết sức cảm phục.

Thông điệp Việt Nam

Trung tá Vũ Văn Hiệp đến Cộng hòa Trung Phi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Cộng hòa Trung PhiMINUSCA nhiệm kỳ 2015-2016. Trong một lần sang ăn cơm trưa tại quán ăn đối diện trụ sở công tác, anh Hiệp tình cờ biết được rằng ở đất nước Châu Phi xa xôi nàycó một phụ nữ Việt Nam sinh sống đã gần 70 năm.

Anh Hiệp nhớ lại:“Hôm đó, tôi gặp một người phụ nữ Trung Phi đứng tuổi. Nhìn thấy trên quân phục của chúng tôi có in hai chữ ‘Việt Nam’, cô ấy tiến lại hỏi chuyện. Thì ra, bà ngoại cô ấy là người Việt có tên là Luyến. Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm. Chính hai chữ ‘Việt Nam’ thiêng liêng đã kết nối chúng tôi”.

Sau nhiều lần lỡ hẹn với người phụ nữ Trung Phi vì bận công tác, dịp Tết Dương lịch, anh Hiệp mới có điều kiện tìm đến thăm nhà gia đình cụ Nguyễn Thị Luyến. Cụ sống trong con ngõ gập ghềnh đá sỏi và bụi mù tại thủ đô Bangui.

img

Cụ Luyến - người phụ nữ Việt Nam dẻo dai ở Châu Phi.

Thấy bóng dáng vị khách vừa lạ vừa quen, cụ Luyến ra tận cổng đón. Khi nhận ra vị khách đó là người Việt, cụ ôm chầm lấy anh, rưng rưng nắn vai như thể muốn chắc chắn rằng mình đang được gặp người đồng bào đầu tiên sau gần 70 năm.

Theo câu chuyện cụ kể, cụ quê gốc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1953, cụ theo một người lính lê dương về Trung Phi và sống ở Bangui từ đó đến giờ. Vì một số lý do, cụ chưa một lần trở về Việt Nam.

“Cụ lập cập hỏi tôi đủ thứ chuyện về Hà Nội, về Việt Nam. Không biết do quá xúc động hay vì gần 70 năm không sử dụng tiếng mẹ đẻ mà câu chữ cứ líu ríu vào nhau, giọng cụ cũng run run không lưu loát và tròn rõ như thường.

Có lúc bí từ để diễn tả, cụ chêm bằng tiếng Pháp, bởi từ khi sang Trung Phi cụ chưa từng một lần liên lạc về Việt Nam. Theo cụ, ở nơi này chỉ có cụ là người Việt duy nhất, do đó cụ không có cơ hội dùng tiếng mẹ đẻ bao nhiêu năm nay. Thậm chí cụ vẫn dùng cách nói của những năm 1950, gọi những người nhà binh bằng ông.

Người phụ nữ Việt dẻo dai

Khó khăn, nguy hiểm, khí hậu khắc nghiện, chiến tranh niên miên, nhưngngười phụ nữ Việt Nam duy nhất sống tại thủ đô Trung Phi này quyết không chịu khuất phục số phận. Dẫn những “vị khách” Việt Nam chúng tôi đi một vòng quanh ngôi nhà, cụ Luyến tự hào giới thiệu về những gì mình gây dựng được sau bao năm tháng.

Cụ có 3 cái nhà, trong đó có 1 cái cụ đang ở cùng các cháu, còn 2 cái kia cụ cho thuê để thêm thu nhập. Cụ còn nuôi được rất nhiều gà theo mô hình công nghiệp và trồng một vườn rau xanh với nét rất Việt Nam.

“Trong góc vườn của cụ có cả gừng và mùi tàu Việt Nam. Đây là điều rất đặc biệt, bởi ở cả Trung Phi này chắc chắn không nơi đâu có được cây mùi tàu, nhưng cụ vẫn có. Cúi xuống bứt một chiếc lá, cụ chậm rãi nói một cách tự hào: ‘Mùi tàu Việt Nam đấy!’” - anh Hiệp xúc động nhớ lại.

Do khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng không được tốt như ở Việt Nam, người dân Trung Phi có ít khả năng tăng gia. Nhưng với cụ Luyến, ngay từ hồi mới tới đây, cụ đã bắt tay vào canh tác khu vườn nhà mình. Cũng nhờ thế, trong khi nhiều gia đình ở đây phải chịu cảnh đói quanh năm, các con của cụ vẫn có ngô và sắn để cầm cự. Theo lời cụ, “cứ có đất, dù cằn cỗi đến mấy cũng vẫn trồng cấy được, miễn là phải cần cù, chịu khó”. Chắc hẳn cụ đã luôn ghi nhớ câu thành ngữ “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của người Việt.

Dù xa quê gần 70 năm, nhưng cụ chưa quên cách chế biến nhiều món ăn thuần Việt. Ban đầu, cụ chỉ chế biến cho gia đình mình ăn và truyền lại cho các con, rồi đến các cháucác món như cá kho riềng, cá sốt cà chua, cải xào lòng gà... và đặc biệt là nem rán.

Sau dần, nhận thấy mọi người, kể cả người nước ngoài hay người Trung Phi, đều rất thích ăn món nem rán, cụ mới nghĩ và chỉ đạo con cháu chế biến để cung cấp cho các nhà hàng xung quanh. Kinh tế gia đình cụ kể từ đó cũng khá hẳn lên.

Một điều thú vị là cụ vẫn gọi món đặc sản này với tên gọi của người Việt là “nem”, mà không dùng một từ tiếng Anh hay tiếng địa phương tương đương. Giờ đây nem đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người dân Bangui và phổ biến đến mức vào nhà hàng chỉ cần gọi “nem!” là người ta hiểu được. Chắc hẳn cụ phải tự hào lắm về món đặc sản này mới có thể quyết tâm giới thiệu đến mọi người.

img

Đại gia đình cụ Luyến chụp ảnh lưu niệm với những người lính Cụ Hồ.

Sau hơn 10 năm đưa cụ về chung sống ở Bangui, chồng cụ chết vì bạo bệnh. Cụ ngấn lệ kể về nỗi gian truân khi một mình nơi đất khách tần tảo nuôi 4 đứa con thơ: “Tôi làm tất cả mọi việc có thể, ai thuê làm việc nặng nhọc cũng chẳng quản, miễn là kiếm được miếng ăn cho con. Phụ nữ Việt bao giờ cũng hy sinh tất cả vì con”.

4 người con của cụ vì thế mà vẫn được đến trường và được cụ rèn cho đức tính cần cù, chịu khó, không quản ngại gian khổ của người Việt. Kết quả là họ đều đã trưởng thành. Giờ đây, cụ đã có tới 34 người cháu và chắt. Đáng quý hơn, con cháu cụ đều thành đạt cả, người làm luật sư, người làm hải quan, người bác sĩ, người thẩm phán... Ai cũng có cơ ngơi riêng với nhà, xe hơi, cuộc sống sung túc tại Pháp và Trung Phi.