Bà Tí ngồi ôn nghèo kể khổ, bà Dậu cũng góp chuyện:
- Cái ngữ đói tháng Ba mới thật gớm ghê, các cụ chả bảo “Đói tháng Tám thì qua, đói tháng Ba thì chết” đấy thôi.
Bà Mão cười bảo:
- Xóm mình từ thời xưa nằm trong vùng đói nhất nước mà cũng chưa có ai bị chết đói đâu. Cũng may là xóm làng biết đùm bọc nhau. Mỗi khi đến mùa đói, tôi còn nhớ ông cụ đẻ ra bác Dậu lại giữ khư khư cái hòm thóc, tối đi ngủ cũng nằm cạnh cái hòm mà ngủ.
Bà Dậu bỗng chốc buồn buồn nét mặt:
- Mỗi khi mùa gặt xong, ông bố chồng em vốn là ông đồ nho, uy tín nhất xóm lại đi thu mỗi nhà trong xóm mình vài chục cân thóc, phơi khô rồi đổ vào cái hòm ấy, chìa khóa thì lại giao cho bố ông Tí cầm. Đến khi bị đói tàn, đói tệ, hai ông mới phát cho mỗi nhà một bát thóc mỗi bữa để nấu cháo loãng cầm hơi. Có hơn tạ thóc trong hòm mà nhiều năm đã cứu đói cho cả xóm mình. Ngày xưa có lần em lại oán bố chồng em mới phải tội chứ. Lúc mới về làm dâu, em lại cứ nghĩ là ông ấy kẹt sỉ, bắt con dâu phải chịu đói.
Bà Tí thừ mặt ra ngẫm nghĩ:
- Ngày xưa dẫu đói khổ nhưng cả xóm còn biết thương yêu đùm bọc nhau, bây giờ, ơn Đảng, ơn Chính phủ, chả lo bị đói mà sao mấy ông trong xóm nhà mình cứ hục hặc với nhau suốt như mấy con gà trống nhốt chung chuồng thế nhỉ?
Ba ông Tí, Mão, Dậu ở bên ngoài đang chuẩn bị dẫn nhau lên xã kiện cáo gì đó nghe hết chuyện mấy chị em phụ nữ bàn chuyện với nhau bỗng chuyển nét mặt. Ông Tí bảo:
- Thôi! Có mỗi mảnh đất con con trồng rau trước nhà, ba anh em ta tranh nhau rồi kiện cáo nhau lên xã làm gì, để các bà ấy cười cho à? Đợt tới thằng út nhà bác Dậu cưới vợ, ta bàn giao cho vợ chồng nó tăng gia các bác nhỉ?
Hai ông gật đầu lia lịa:
- Ông bàn phải lắm! Thôi mỗi lần ta có hiềm khích gì thì cố mà nhớ về cái thời đói khổ để mà thương yêu nhau hơn nhé!
Mậu Ngọ