Những chiếc cọc nghìn năm tuổi
Theo báo cáo của Bảo tàng Hải Phòng, qua quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật và phát hiện được 27 chiếc cọc. Theo nhận định ban đầu của Viện khảo cổ học, bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Bãi cọc được khai quật nhìn từ trên cao.
Hành trình khai lộ thành công những chiếc cọc tại bãi Cao Quỳ cụ thể như sau:
Vào ngày 2/10, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã phát hiện được 9 chiếc cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Các cọc gỗ này đã gãy phần đầu, màu đỏ sẫm, rắn chắc và phân bố không thẳng hàng, nằm cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5-7m, chiều Bắc Nam 3,5-5m. Có một cọc kích cỡ 14cm và các cọc còn lại có đường kính cọc khá lớn 26-46cm. Theo đó, có 4 cọc nằm nghiêng từ 20 - 45 độ theo các hướng Tây, Nam.
Ngay khi nhận được thông tin, Bảo tàng Hải Phòng đã cử cán bộ xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học giám định về niên đại của những chiếc cọc nêu trên.
Tiếp đến, ngày 16/10, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng Văn hóa và Thể thao (VH&TT) huyện Thủy Nguyên, Đoàn khảo sát do TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn về khảo sát tại hiện trường.
Đầu tháng 11/2019, Đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Qua khảo sát, các cọc có niên đại tuyệt đối C14 là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên (AD).
Cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn thực tế bãi cọc được khai quật.
Qua nghiên cứu địa tầng cho thấy, khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp và các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn hoặc đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ. Trên các cọc có "ngoàm" dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.
Giữa tháng 11, Sở Văn hóa và Du lịch Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Ngày 22/11, Bộ VHTT&DL có Quyết định số 4137/QĐ-BVHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Ngày 27/11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Phần đất có cọc được khai quật.
Nhiều phát hiện quý từ người dân
Trong quá trình khai quật bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, các dòng sông cổ, các bến cổ thuộc xã Liên Khê. Tại đây, người dân địa phương cho biết cũng phát hiện những chiếc cọc gỗ tương tự trước đó.
Một trong những chiếc cọc được khai quật tại Cao Quỳ, Liên Khê, Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Có thể kể tới trường hợp của gia đình ông Trần Văn Do (ở thôn 7, làng Quỳ Khê). Vào những năm 70, ông Trần Văn Do phát hiện 3 cọc gỗ tại cánh đồng thôn. Trường hợp cách đây 30 năm, gia đình ông Nguyễn Công Từ, bà Nguyễn Thị Chế (thôn 3, làng Mai Động, huyện Thủy Nguyên), trong quá trình canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ cũng phát hiện 10 cọc gỗ tại khu vực sát với nơi Viện khảo cổ đang tiến hành khai quật. Các cọc có đường kính từ 35-50cm. Còn ở đầu Núi Chẹo và Hang Trê tại thôn 7, làng Qùy Khê, người dân cũng từng phát hiện 11 cọc gỗ...
Quá trình đó, một số cọc đã được đưa về Khu di tích đền Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) để bảo quản, chờ cơ quan chức năng giám định.
Người dân tập trung xem bãi cọc.
Ngoài việc khảo sát hệ thống cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ và cánh đồng làng Quỳ Khê, Bảo tàng Hải Phòng và Viện Khảo cổ còn nghiên cứu các di tích đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.
Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng phấn khởi cho biết: không chỉ dừng lại ở phần diện tích gần 1.000m2 tại bãi cọc Cao Quỳ nêu trên, Hải Phòng sẽ mời các chuyên gia giỏi chuyên môn tiếp tục mở rộng nghiên cứu, khảo sát ra khu vực xung quanh bãi cọc để tìm kiếm thêm nhiều chứng tích lịch sử quý báu liên quan đến chiến tích lẫy lừng trên sông Bạch Đằng của cha ông ta năm xưa chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi.