Chủ nhà Philippines đã nỗ lực tổ chức một kỳ SEA Games 30 rất thành công, nhưng vẫn còn đó những vết gợn. Ngoài tình trạng đưa vào các môn thể thao lạ để “vơ vét” huy chương hay ngó lơ những tình huống trọng tài xử ép VĐV các nước để mang lại lợi thế cho VĐV nước chủ nhà, Ban tổ chức giải đấu còn nhận phải nhiều sự chỉ trích về một số công tác tổ chức những ngày đầu chuẩn bị diễn ra sự kiện.
Ban tổ chức SEA Games bị điều tra sau khi Đại hội bế mạc.
Cụ thể, một số đoàn thể thao khi đến Philippines đã không được đón tiếp một cách chu đáo. Đội U22 Thái Lan ngồi đợi ở sân bay 2-3 tiếng mới có xe đến đón, đội U22 Myanmar bị đẩy lên một chiếc xe bus đưa đón học sinh tiểu học, đội U22 Brunei bị đưa đi nhầm đườn, đội U22 Campuchia phải nằm tạm tại sảnh khách sạn vì chưa sắp xếp được phòng, đội U22 Việt Nam bị bố trí sân tập xa tít mù tắp... Rồi chế độ ăn uống, sinh hoạt cho các VĐV dự giải cũng gặp nhiều vấn đề như thiếu thực phẩm, thức ăn nghèo nàn...
Theo báo chí Philippines, một số chi phí như ăn ở, sinh hoạt, đi lại... phục vụ SEA Games 30 đã bị cắn xén để dồn cho phần việc xây dựng đài đốt đuốc có giá hơn 1 triệu USD. Trước vấn đề này, các quan chức Chính phủ Philippines đã vào cuộc.
Theo CNN Philippines, Thượng nghị sĩ Leila de Lima vừa đệ trình lên Thượng viện để điều tra "các vấn đề liên quan tới khâu tổ chức và tham nhũng" tại SEA Games vừa kết thúc.
Chính Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh điều tra sau khi bày tỏ sự thất vọng về vấn đề này. Người phát ngôn Tổng thống Salvador Panelo trước đó nói thêm rằng sẽ xử lý nghiêm nạn tham nhũng, còn Tổng thống lên án "sự bất tài" của ban tổ chức SEA Games.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Alan Peter Cayetano - Trưởng ban tổ chức SEA Games đã phủ nhận sự bất thường. Ông nói rằng sẵn sàng đối mặt với các quan chức Chính phủ để trả lời câu hỏi về khả năng lãnh đạo và kỹ năng giám sát của ông trong suốt 12 ngày SEA Games diễn ra.