Chiều Đông Hà Nội, cũng cận ngày Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), nhớ đến 1 trong 7 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất còn sống, tôi tìm đến con ngõ thân quen trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa) và hỏi đường vào nhà Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. (ẢNH: THÀNH AN)
Khi huyền thoại trở về đời thường
Sau tiếng chuông cửa, một cụ già gầy gò, lưng còng, đầu đội mũ len với chiếc áo khoác thùng thình ra mở cửa và hỏi: “Ai đấy”. “Dạ. Cháu là phóng viên báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt ạ…”. “Phóng viên à! Cho xem giấy tờ”... “Cháu vào đi. Ông La Văn Cầu đây! Cháu thông cảm, bà nhà đi vắng, ông ở nhà một mình nên phải hỏi cho kỹ”.
“Cháu ngồi chơi, đợi ông đi lấy nước nhé”. “Cháu có việc gì không… uống nước đi kẻo lại nguội hết”, Đại tá Anh hùng nói và bảo “cứ xưng ông-cháu”.
Nhấp chén nước, ông nói: “Bà nhà ông đi vắng. Bọn trẻ lớn hết cả rồi. Ông sinh được 4 đứa con, 2 trai 2 gái đều lập gia đình và có con hết rồi. Đứa thì làm ăn ở nước ngoài, đứa thì trong nước nhưng ở riêng. Thi thoảng con cháu ghé về thăm nom hai ông bà. Đấy!... đứa con gái đầu từ Nga vừa về thăm, vừa đi chơi đâu đó rồi”.
Thấy tôi hỏi về “bà nhà”, ông nhấn mạnh: “Bà nhà tôi tuyệt với lắm! Tôi bây giờ được như thế này tất cả là nhờ bà nhà tôi hết cả đấy. Bà chăm tôi rất chu đáo, từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhất là việc ăn uống, tôi “kén” ăn (vì bị bệnh dạ dày) chỉ ăn được những món bà nhà tôi nấu, thấy ngon và hợp khẩu vị”.
Ông kể, hai ông bà gặp năm lần đầu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952 ở Thái Nguyên. Lúc đó bà là công nhân nhà máy giấy Nghệ An, ông là bộ đội. “Bộ đội, công nhân gặp nhau được đồng đội nhiệt tình vun vén trở thành vợ chồng rồi hạnh phúc từ đó đến giờ. Đám cưới tổ chức năm 1958”, giọng ông sang sảng mở đầu câu chuyện.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu giản dị khi trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt tại căn nhà trên phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. (ẢNH: THÀNH AN)
Nhớ lại những năm tháng ác liệt tại chiến trường năm xưa, nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá – Anh hùng La Văn Cầu chia sẻ: Trong tôi lúc nào cũng cảm thấy phấn khởi, tự hào. Bởi vì mình được là một thành viên của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng. Cho tới bây giờ đã sắp bước sang tuổi 90, tôi vẫn không quên những ngày tháng đã cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là thời kỳ chúng tôi đã cùng quyết chiến, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Bà nhà tôi tuyệt với lắm! Tôi bây giờ được như thế này tất cả là nhờ bà nhà tôi hết cả đấy. Bà chăm tôi rất chu đáo, từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhất là việc ăn uống, tôi “kén” ăn (vì bị bệnh dạ dày) chỉ ăn được những món bà nhà tôi nấu, thấy ngon và hợp khẩu vị”, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. |
Sau chiến trận, trở về, người lính La Văn Cầu đã phải “gửi” lại chiến trường một cánh tay phải. “Ai cũng biết, đối với con người, cánh tay phải nó quan trọng đến mức nào. Thế nhưng, với tôi thì chỉ là cánh tay phải, còn những đồng đội của tôi, người dân của chúng ta đã phải ngã xuống, hi sinh, biết bao nhiêu máu và nước mắt đã rơi, chảy quyện vào nhau…”.
Trong câu chuyện của mình, ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi là 1 trong 7 người đầu tiên được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng của Phong trào thi đua ái quốc ở chiến khu Việt Bắc, tháng 5/1952.
“Hiện chỉ còn mình tôi còn sống. Cho nên, bây giờ tôi luôn luôn phải nghĩ rằng mình phải phấn đấu, giữ gìn, rèn luyện sức khỏe để sống được ngày nào hay ngày đấy và nhìn non sông tổ quốc phát triển ngày càng giàu đẹp hơn. Cũng như góp một phần nho nhỏ của mình vào với cộng đồng, và sự nghiệp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, giọng ông nói lúc trầm lúc bổng…
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tự phong cho mình là "chiến sỹ môi trường". (ẢNH: THÀNH AN)
Từ khi về hưu, đến nay tuổi cao, sức yếu không còn làm được nhiều việc như ngày trước nữa, song người Anh hùng của dân tộc luôn nghĩ rằng, “còn ngày nào tồn tại trên trái đất này phải đóng góp gì đó có ích cho cộng đồng và gia đình”. Theo đó, ông tự nhận mình là “chiến sỹ môi trường” quét dọn ngõ-xóm sạch sẽ, dù như chính lời ai bảo “tôi tự phong cho mình danh hiệu ấy, không có ai phong cả”.
"Chúng ta cùng sống trong một tổ quốc Việt Nam anh hùng, ngày nay phát triển giàu mạnh, có một vị trị chính trị rất lớn trên quốc tế. Bây giờ nói đến Việt Nam ai cũng yêu mến và có cảm tình, tôi rất vinh dự được là một công dân của đất nước Việt Nam. Một tổ quốc hình chữ S rất đẹp, phía trước là biển cả bao la, phía sau là rừng già. Biển thì chúng ta có các đảo, quần đảo như Trường Sa, Hoàng Sa, một tổ quốc vô cùng vĩ đại", Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. |
Ngày ngày, cứ vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối, người dân trong con ngõ nhỏ lại thấy người Anh hùng dùng tay trái cầm chổi quét từng chiếc lá. “Quét không riêng nhà mình mà cho cả cộng đồng”.
“Tôi cho rằng ở đời, không có việc gì là hèn, là xấu. Mình quét con đường, ngõ nhỏ để lúc nào cũng sạch sẽ. Đây cũng là một phần nhỏ góp công vào việc thực hiện khẩu hiệu, ý nguyện của 8 triệu nhân dân Thủ đô Hà Nội là làm cho Thủ đô lúc nào cũng xanh-sạch-đẹp. Thể hiện được nét đẹp của Thủ đô Hà Nội được thế giới tôn vinh”, ông nói.
Cũng chính vì lẽ đó, tháng 10/2019 vừa qua ông được chính quyền Thủ đô Hà Nội tôn vinh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú. “Tôi không ngờ cuối đời mình lại nhận được một vinh dự quá lớn như vậy. Nhưng tôi hiểu rằng đây là vinh dự của những đồng chí, đồng đội của tôi đã ngã xuống, xứng đáng được nhận mà tôi là người đại diện nhận phần vinh dự của nhân dân Thủ đô Hà Nội tôn vinh và trao tặng”, ông bày tỏ.
Nhắn nhủ đến các thế hệ trẻ rằng, phải luôn cố gắng học tập, rèn luyện “tâm và đức”. Vì các cụ đã đúc kết rằng “có tâm có đức thả sức mà ăn, không tâm không đức kiệt sức mà chết”. “Riêng tôi, tôi luôn luôn có suy nghĩ và làm việc với tinh thần là giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ không làm điều gì xấu đến cộng đồng, đến nhân dân dù chỉ là sợi tóc”.
Người anh hùng năm nào khi trở về đời thường luôn giản dị nhưng bằng cách nào đó vẫn luôn cố gắng đóng góp sức chung vì cộng đồng. (ẢNH: THÀNH AN)
Rót thêm chén nước, ông vỗ vào tay tôi và bảo: Gần đây danh hiệu người “chiến sỹ môi trường” có thêm một chiến sỹ mới. “Đó là bà Trúc, hàng xóm. Bà Trúc cũng đúng là chiến sỹ môi trường. Cứ khi nào đường còn lá là chúng tôi đi quét, sáng quét, chiều quét, nhất là mùa này là mùa lá rụng, nếu không quét thì những ngôi nhà ở đây cứ như không có ai ở…”, giọng phấn khởi ông nói.
Ông cũng cho hay, không chỉ quét đường ngõ, ông còn mong muốn có thể trồng thêm nhiều cây xanh và trồng thêm hoa dọc ngõ nhỏ để “cộng đồng ngõ xóm đẹp hơn, tươi sáng hơn”.
“Bây giờ tôi là một công dân bình thường, không còn công tác bất cứ trong lĩnh vực gì nữa rồi. Nhưng trong tự bản thân của mình mách bảo chính tôi rằng còn sống ngày nào thì phải sống có ích cho gia đình cho cộng đồng, không trở thành trở ngại của gia đình của cộng đồng mà phải sống sao có tác dụng thúc đẩy làm cho cộng đồng phát triển. Như trong việc quét sạch rác cửa nhà, ngõ xóm, tôi phải “miệng nói tay làm” mới thể hiện được tinh thần Thủ đô Hà Nội xanh-sạch-đẹp”, ông tóm lại.
Ký ức bi tráng
Hồi tưởng lại ký ức ở chiến trường năm xưa, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu kể: Trong Chiến dịch Biên Giới 1950, ông thuộc Trung đội 2, Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316.
“Riêng tôi, tôi luôn luôn có suy nghĩ và làm việc với tinh thần là giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ không làm điều gì xấu đến cộng đồng, đến nhân dân dù chỉ là sợi tóc”, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu nói. (ẢNH: THÀNH AN)
“Vào khoảng 10 giờ đêm 17/9/1950, tôi được đồng chí Đại đội trưởng gọi đến giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt của địch tại cứ điểm Đông Khê. Đến chừng nửa đêm, tôi được lệnh dùng bộc phá đánh vào một lô cốt lớn của địch ngay trước tiền duyên, mở đường cho đồng đội tiến lên.
Trong lúc đang chuẩn bị vọt tiến thì tôi bị hai viên đạn bắn trúng. Một viên trúng má phải và viên kia trúng tay phải, khiến tôi ngã xuống ngất lịm. Tỉnh lại, tôi nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt, nên cố nhổm dậy. Tôi đưa tay trái sờ lên đầu, lên ngực thấy không sao, mừng quá, định vọt tiến thì thấy chỉ còn tay trái cử động được, cánh tay phải không có cảm giác”.
Kể đến đây, mắt ông nhòe đi, giọng trầm hẳn xuống. Nhấp thêm ngụm nước, phải mất một lúc, câu chuyện giữa tôi và ông mới có thể tiếp tục: “Tôi biết tay phải của mình đã bị thương, nhưng vì nhiệm vụ, tôi vẫn cố tìm quả bộc phá, rồi dùng tay trái ôm chặt vào ngực và trườn lên phía trước. Lúc này, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép khiến toàn thân đau điếng.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu luôn nghĩ rằng mình may mắn, các đồng đội đã hi sinh để ông và nhân dân có hòa bình, độc lập và phát triển như ngày nay. Đặc biệt, ông dành tình cảm rất lớn đến người vợ của mình - bà Trần Thị Thanh. (ẢNH: THÀNH AN)
Suy nghĩ một lúc, tôi liền nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Pheo giúp mình chặt cánh tay phải để khỏi vướng. Lúc đầu, anh Pheo biết tôi là gia đình con một, không muốn cho tôi tiến tiếp. Tôi đành nói "chí tôi đã quyết, lòng tôi không thay đổi, tôi sẵn sàng hi sinh". Vậy là..., rồi tôi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi bị hất bay đi một đoạn rất xa rồi lại ngất đi, người bám đầy đất, cát. Trong lúc ấy, các đồng chí khác đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch. Khi tỉnh dậy thì thấy phía lô cốt địch đã cháy"...
Ngưng một đoạn, ông kể tiếp, sau khi được Tiểu đội trưởng Nông Văn Pheo băng bó, theo hướng dẫn ông đi về phía rừng già, nơi có ánh “đèn hoa kỳ” leo lét là nơi đóng quân của quân y. “Trên đường đi, tôi bị vắt bám đầy người, nhưng vẫn cố gắng tìm đến nơi để chữa trị vết thương. Trạm quân y ở trong hang núi, nhưng do đến sau, số lượng chiến sĩ rất đông, chật hang, tôi được trải lá chuối rừng và nằm bên ngoài miệng hang cùng rất nhiều các chiến sĩ khác. Nhưng địch vẫn ném bom rất dữ dội phía trên núi, đá trên hang cứ thế rơi xuống khiến nhiều đồng đội, chiến sĩ bị thương và hi sinh”…
Kết thúc câu chuyện, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu dẫn tôi lên tầng 2 của ngôi nhà, nơi ông lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh về cuộc chiến, về những danh hiệu mà ông được Đảng và Nhà nước trao tặng. Đối với ông đó là những "gia tài" ông vô cùng quý trọng và lưu trữ bằng tình yêu của mình.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) Phạm Tuấn Minh chia sẻ: "Là anh hùng trong chiến đấu nhưng khi về sinh sống với bà con trong khu dân cư, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu sống rất giản dị, hòa đồng. Không chỉ tham gia ủng hộ mọi phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động mà việc tự giác quét dọn con ngõ nơi ông sinh sống đã có tác động rất lớn trong việc giáo dục ý thức cho con trẻ nói riêng và người dân nói chung về việc giữ vệ sinh môi trường, góp phần để khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp". |
Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, Đại tá La Văn Cầu vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba; ông vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất... Năm 2009, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2019, ông được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”… |