Anh Dũng cho biết: Lúc đầu, anh chỉ nuôi thử một vài con lợn cho vui. Thấy nuôi lợn có thể kiếm ra nhiều tiền hơn, anh đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn với số lượng lớn hơn. Trang trại của anh hiện được chia thành 3 khu chăn nuôi với số lượng lợn lúc nào cũng dao động từ 60 - 80 con, có thời điểm cao nhất cũng hơn 100 con.
Khu nuôi lợn của anh Dũng. |
Theo anh Dũng: "Nghề nuôi lợn bây giờ không như trước kia, nấu cám lên, rồi đổ cho lợn ăn là xong, mà đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật mới từ chăm sóc, để phòng chống dịch bệnh. Tóm lại, cần phải có kiến thức và cả sự học hỏi mới thành công".
Để có kiến thức nuôi lợn, anh Dũng đã đi học hỏi ở nhiều nơi, nhất là về chế độ cho lợn ăn. Với số lượng đầu lợn lớn, mỗi tháng anh nhập về nhà từ 1 - 2 tấn cám tinh. Phân, chất thải từ chăn nuôi, anh tận dụng tối đa vào hầm biogas để sử dụng khí cho sinh hoạt, đun nấu hàng ngày. Con giống nhập từ Hưng Yên, mỗi đợt nhập về, anh đều tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình chăn nuôi cơ bản như là phun thuốc khử trùng, thuốc tẩy, rắc vôi bột và tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn.
Không chỉ nuôi lợn, anh Dũng còn nuôi 250 con vịt lấy trứng, hơn 100 con gà ta bán vào dịp Tết. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu gần 100 triệu đồng.
Về dự định của mình, anh Dũng tâm sự: "Tôi sẽ đi học thêm quản trị kinh doanh, mở rộng mô hình chăn nuôi công nghiệp và chủ động về giống để giảm thiểu tối đa các khâu trong quá trình chăn nuôi".
Thành Đông - Văn Cảnh