Dân Việt

Khai lộ bãi cọc Cao Quỳ: Sự khác biệt của những chiếc cọc quý

Trần Phượng 21/12/2019 21:19 GMT+7
Ngày 21/12, TP.Hải Phòng tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc quý hàng nghìn năm tuổi ở cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Sự kiện thu hút gần 50 nhà khoa học, chuyên gia tại các lĩnh vực lịch sử, địa chất, khảo cổ … tham dự.

Cọc quý ở cánh đồng Cao Quỳ khác với các cọc ở Quảng Yên

Đó là nhận định của Đoàn công tác về những chiếc cọc quý hàng nghìn năm tuổi xuất lộ tại khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.

Để có được nhận định trên, không thể không nhắc tới hành trình xuất lộ những chiếc cọc quý tại bãi cọc Cao Quỳ qua những phát hiện của người dân. Căn cứ theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hành trình phát hiện và nghiên cứu di tích bãi cọc như sau: Trong quá trình canh tác, nông dân Nguyễn Văn Triệu đào đất để trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5 – 0,7m. Trước đó, trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa nêu trên tại phía bắc và tây bắc khu vườn cau, người dân cũng gặp phải những cọc gỗ lớn. Thông tin về những chiếc cọc nhanh chóng được thông báo tới Phòng văn hóa huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng TP.Hải Phòng.

Ngày 16/10/2019, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng văn hóa huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát gồm TS Lê Thị Liên - Trưởng đoàn (Hội khảo cổ học Việt Nam), TS Nguyễn Văn Anh (Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia HN), bà Đinh Thị Nga (Viện khảo cổ học) cùng các cán bộ Bảo tàng Hải Phòng và cán bộ Phòng văn hóa huyện Thủy Nguyên đã tiến hành khảo sát hiện trường.

img

Đầu tháng 11/2019, trong quá trình cải tạo vườn chuối và nghĩa trang Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ, chính quyền xã Liên Khê đã phát hiện được 9 đầu cọc. Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND hyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát cho thấy các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm và rắn chắc. Chúng phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông – tây khoảng 5 – 7m chiều bắc – nam 3,5 – 5m, đường kính cọc khá lớn từ 26 – 46cm, có 1 cọc đường kính 14cm và có 4 cọc nằm nghiêng từ 20 – 45 độ theo hướng tây - nam.

Dựa vào địa tầng của MC7 và MC8, Đoàn công tác nhận định khu vực xuất lộ vốn là bờ sông đã bị bồi lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp đất xám, có thể chôn hoặc đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua lớp sét vàng trắng loang lổ. Trên các cọc có ngoạm dùng để luồn dây kéo. Đối với cọc to hơn (cọc 1) thì ngoạm này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 hiện được lưu giữ ở đình Làng Mai cho thấy cọc này có niên đại 1.270 – 1.430 AD ( theo phiếu 1429, Viện Khảo cổ học).

Từ những tư liệu nêu trên, Đoàn công tác cho rằng, các cọc đóng hoặc chôn trong khu vực bãi bồi ven sông phân bổ không thẳng hàng, có thể bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII. Tuy nhiên, cách thức phân bố khác với các cọc được phát hiện tại di tích Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối thuộc quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Điểm khác biệt nữa là các cọc tại cánh đồng Cao Quỳ có đường kính lớn, chân cọc không được đẽo nhọn nên chức năng của các cọc này có thể không giống với các bãi cọc trên. Có thể chúng được tạo ra với mục đích làm chiến tuyến ngăn chặn thuyền lớn.

 Khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ khu di tích

Phát biểu tại Hội nghị ngày 21/12, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề nghị UBND TP.Hải Phòng sớm tiến hành các thủ tục để đưa bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê di tích. Để tránh sự rời rạc và lẻ tẻ trong việc xếp hạng di tích, địa phương nên tiếp tục phối hợp với các chuyên gia giỏi chuyên môn để mở rộng việc khai quật tại khu vực đã xuất lộ những chiếc cọc quý để thu thập thêm những chứng tích lịch sử. Ông Thành nhận định thêm, chúng ta có thể còn phát hiện thêm nhiều bãi cọc và hiện vật khác. Nhằm bảo vệ khu vực có di tích, UBND TP.Hải Phòng cần tiến hành ngay các biện pháp bảo tồn hiện vật bởi sau khi đưa ra khỏi môi trường đất, cát cọc gỗ rất nhanh bị hư hỏng. Đồng thời, trước mắt cho dừng mọi hoạt động sản xuất ở khu vực xuất lộ bãi cọc nhằm bảo vệ di tích.

img

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá cao kết quả thực hiện việc khai quật và nghiên cứu của thành phố Hải Phòng cùng với các nhà khoa học trong thời gian 2 tháng qua. Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ là một di chỉ lớn còn nguyên vẹn mà hiếm nơi nào có được.

Kết thúc Hội nghị, ông Lê Văn thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng bày tỏ sự cảm ơn trước sự tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, khảo cổ, … đã sát cánh cùng địa phương trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn, phát huy các di tích trên địa bàn. Đồng thời, địa phương tiếp thu những ý kiến đống góp, đề nghị của các nhà chuyên gia, nhà khoa học. Ông Lê Văn Thành cho biết, Hải Phòng sẽ sớm hoàn thành thủ tục công nhận đây là di tích lịch sử cấp thành phố và tiếp tục phối hợp phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát một cách tổng thể trên phạm vi rộng để lập qui hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ cùng các di tích khác.